Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 35, sáng 16/7, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổng kết kỳ họp thứ bảy, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám của QH.
Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ bảy cho thấy, kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định sự nhất trí, đoàn kết trong hoạt động của QH; đồng thời thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân. QH đã xem xét, thông qua bảy luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về chín dự án luật khác. Phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác. Nhiều nội dung của kỳ họp chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ bảy đã có 230 lượt đại biểu QH tham gia chất vấn và tranh luận. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm so với các kỳ họp trước, nhưng số lượng đại biểu QH và câu hỏi chất vấn tăng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này được cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao, cho thấy các nhóm vấn đề được lựa chọn là xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri… Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ bảy vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như: chất lượng chuẩn bị một số nội dung còn hạn chế; hồ sơ, tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu QH chậm, ảnh hưởng chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu; việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Một số chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm. Một số kiến nghị của cử tri chưa được Chính phủ, các bộ, ngành trả lời rõ ràng, chưa xác định thời gian giải quyết cụ thể, nhất là các vấn đề được đại biểu QH và cử tri quan tâm.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến QH sẽ khai mạc kỳ họp thứ tám vào ngày 21/10/2019 và bế mạc vào ngày 20/11/2019. QH sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến tám dự án luật khác. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình QH xem xét tại kỳ họp thứ tám về các nội dung gồm: Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện các Hiệp định EVFTA và EVIPA; thông qua các nghị quyết về: Xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn khả năng sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026 và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hà Nội…
Trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban TVQH xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án QH điện tử giai đoạn 2019-2026; với 100% số đại biểu tán thành, Ủy ban TVQH biểu quyết nhất trí thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
(nhandan.com.vn)