Thứ Năm, 25/4/2024
Chuyển biến trong cải cách hành chính ở Điện Biên
 
Người dân đến làm việc tại bộ phận một cửa UBND xã Thanh Chăn


Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trao đổi về công tác CCHC của tỉnh Điện Biên từ năm 2015 trở về trước, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hữu Khang thừa nhận, có rất nhiều hạn chế, như là: Thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là TTHC trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng; số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” còn ít. Việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước còn chậm, chưa phù hợp yêu cầu phát triển của địa phương. Trong một số lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, đơn vị còn chồng chéo. Ở một số nơi, mệnh lệnh hành chính chưa được tuân thủ nghiêm; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, tùy tiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, thậm chí một số cán bộ, công chức, viên chức còn yếu về chuyên môn; một số trường hợp chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết công việc, có lúc, có nơi còn tồn tại hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Chính những hạn chế đó khiến nhiều năm liền, Điện Biên luôn nằm trong nhóm ba tỉnh cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC toàn quốc.

Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 ban hành theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ; Kế hoạch CCHC nhà nước tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020; trong những năm qua, nhất là năm 2018, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện. Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2018, bảo đảm đúng nội dung, thời gian quy định. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, duy trì thường xuyên trên hệ thống báo, đài của trung ương, địa phương, cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sở Nội vụ tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan lựa chọn ba sở, ngành đầu tư thực hiện một cửa hiện đại; tiếp nhận và phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với công tác CCHC và việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông quy định tại Quyết định 9/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cho nên những năm gần đây, chỉ số CCHC của Điện Biên được cải thiện. Bốn năm liên tiếp (2012-2015), Điện Biên luôn nằm trong nhóm ba tỉnh cuối bảng xếp hạng thì năm 2018, chỉ số CCHC của tỉnh đã vươn lên thứ 28 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thuộc nhóm các tỉnh trung bình trong nhóm B (là nhóm cao theo phân loại thành bốn nhóm của Bộ Nội vụ); xếp thứ 6 trong số 14 tỉnh trung du và miền núi biên giới phía bắc. So với năm 2015, chỉ số CCHC của tỉnh Điện Biên tăng 35 bậc, là mức tăng cao nhất cả nước.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước

Bí thư Huyện ủy Điện Biên (tỉnh Điện Biên) Phạm Đức Toàn chia sẻ: Thực tế cho thấy, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Ðảng và Nhà nước trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Điều này góp phần khắc phục tình trạng quan liêu, bỏ trống hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi phí thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Cùng với thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên được tỉnh chọn là một trong hai đơn vị cấp huyện thực hiện thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đến nay, huyện Điện Biên đã thí điểm hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện; Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện. Kể từ năm 2016, huyện Điện Biên đã xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến, kết nối in-tơ-nét tốc độ cao liên thông từ huyện đến xã; tất cả các xã đều có bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả trong giải quyết TTHC, trụ sở các xã được quan tâm ưu tiên đầu tư xây dựng. Hằng năm, các xã được quan tâm bố trí đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác, nhất là các thiết bị trực tiếp hỗ trợ công vụ.

Với huyện Mường Ảng, kế hoạch CCHC được UBND huyện chỉ đạo xây dựng cụ thể từng năm gắn với từng lĩnh vực cụ thể: Cải cách thể chế; cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức... Dưới sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của UBND huyện, việc triển khai kịp thời các hệ thống văn bản, các giải pháp CCHC, cho nên công tác CCHC trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, Phòng Tư pháp huyện đã thực hiện tốt việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, bảo đảm đúng tiến độ và thời gian quy định; toàn bộ UBND xã, thị trấn thực hiện niêm yết tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở, tạo thuận lợi cho người dân tra cứu và thực hiện TTHC (hiện nay, tổng số TTHC đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn huyện là 427; trong đó, cấp huyện 291, cấp xã 136 thủ tục); bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện bảo đảm giờ giấc, lịch trực, lịch đón tiếp, thái độ đón tiếp nhân dân niềm nở, nhã nhặn, nhận được sự hài lòng từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mường Ảng cũng là địa phương thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, huyện đã đầu tư kinh phí nâng cấp trang thông tin điện tử của huyện, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành; lịch và quy chế tiếp công dân tạo thuận lợi để nhân dân theo dõi, tiếp nhận thông tin, chủ trương chính sách... Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Mường Ảng Ðào Duy Thạch cho biết: Thực hiện CCHC, quy trình thủ tục hồ sơ hành chính trên địa bàn huyện đã rút ngắn khoảng một phần ba thời gian so với trước, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, giảm hàng triệu ngày làm việc.

Khẳng định kết quả đạt được trong công tác CCHC của tỉnh Điện Biên những năm qua góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, văn minh, hiện đại, song Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác CCHC; việc triển khai thực hiện các nội dung CCHC còn thấp, nhất là ở UBND các huyện, thị xã, thành phố. Do vậy, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; người đứng đầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm những yếu kém, hạn chế trong công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn phụ trách để từ đó xác định giải pháp khắc phục; mục tiêu, nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn tới. Kết quả thực hiện CCHC hằng năm của tỉnh, công tác CCHC tại đơn vị, địa phương là một trong các tiêu chí xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu, cấp phó có liên quan của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tại các đơn vị, địa phương.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất