|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong điều kiện quốc tế, khu vực phức tạp, tác động lớn tới Việt Nam, nước ta vẫn đạt nhiều kết quả khả quan trong nhiều mặt. Tuy vậy, Thủ tướng cũng không quên cảnh báo về một loạt vấn đề tồn tại như dịch tả lợn châu Phi, nắng nóng, cháy rừng,...
"Tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô"
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 4/7, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng, đầu tư toàn cầu giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Việt Nam đã có nhiều kết quả tốt trên lĩnh vực.
"Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá. Các lĩnh văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh đối ngoại được chú trọng," Thủ tướng nói.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ ra, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76% là tốt trong điều kiện nền tăng trưởng cùng kỳ đã ở mức cao. Đây cũng là kết quả cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành nông nghiệp nỗ lực vượt khó, đạt mức tăng trưởng 2,39%, đặc biệt thủy sản tăng trưởng 6,45%, mức cao nhất trong 9 năm gần đây. Điều này giúp bù đắp một phần thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Khu vực công nghiệp xây dựng được Thủ tướng đánh giá đã có bước phấn đấu cao với tăng trưởng 8,93%; khu vực dịch vụ ước đạt 6,69%.
"Điều đáng mừng là ta đã quán triệt quan điểm thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô," Thủ tướng nói.
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Một con số ấn tượng khác theo Thủ tướng là trong 6 tháng, nước ta đã thu hút 8,5 triệu lượt khách quốc tế. Ngoài ra, thu ngân sách tính đến hết tháng Sáu cũng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đạt trên 122 tỷ USD, giải ngân vốn FDI trong nửa năm đạt 9,1 tỷ USD,...
Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất?
Đánh giá cao những kết quả trên nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng cảnh báo, các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương cần tập trung vào các tồn tại hạn chế yếu kém để có đối sách xử lý nhanh, không để vướng mắc kéo dài.
Qua báo cáo các bộ ngành và trực tiếp theo dõi, Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề như như dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Tới nay đã có 60 tỉnh, thành phố cả nước có dịch và tiêu hủy khoảng 2,8 triệu con.
Ngoài ra, nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, nguy cơ hạn hán thiếu nước trầm trọng, diện tích rừng bị cháy tăng.
"Vụ cháy ở Hà Tĩnh là lời cảnh tỉnh hết sức sâu sắc cho tất cả các vùng trong cả nước," Thủ tướng Chính phủ nêu lên.
Thủ tướng cũng nhắc tới tình trạng giá một số mặt hàng thủy sản giảm mạnh như cá tra, giá tôm.
Riêng về công nghiệp xây dựng, người đứng đầu Chính phủ cảnh báo việc tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 16,1%. Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông chậm tiến độ theo Thủ tướng ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lực, hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới và nguy cơ thiếu điện hiện hữu.
Đặc biệt, Thủ tướng dẫn báo cáo cho thấy, tiến độ giải ngân vốn nước ngoài thấp đáng báo động khi mới đạt gần 15% kế hoạch được giao.
Thủ tướng nhắc tới một số ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất, nhất là các điều kiện kiểm tra chuyên ngành.
Ở hướng khác, theo Thủ tướng, tinh thần làm việc của công nhân viên chức đại bộ phận là tốt, cố gắng nhưng còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, lơ là bao gồm cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.
"Các cấp, các ngành chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý, mất cán bộ," Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhắc nhở tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, để người dân kêu ca, chờ đợi.
"Ta cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm," Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh./.
(Vietnam+)