Thứ Bảy, 11/1/2025
Hiệu quả công tác Dân vận trong đấu tranh truy nã tội phạm

Đặc biệt trong quá trình vận động đầu thú đối tượng truy nã, việc làm tốt công tác dân vận sẽ tranh thủ lòng tin sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm, tạo mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa nhân dân với lực lượng cảnh sát truy nã trong việc thu thập thông tin, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truy nã.

Bằng nhiều hình thức khác nhau như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua "Dân vận khéo" theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với mỗi cán bộ chiến sĩ từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục đối tượng truy nã ra đầu thú đến từng người dân, hộ gia đình. Tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến đối tượng, phục vụ công tác truy nã.

Hay phối hợp với Công an các địa phương, chính quyền địa phương tiến hành niêm yết quyết định truy nã ở các nơi công cộng, giao cho Công an xã thông báo phổ biến sâu rộng trong nhân dân về danh sách đối tượng truy nã và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng truy nã ra đầu thú.

Đặc biệt là việc tổ chức họp liên ngành, thống nhất với Viện kiểm sát và Toàn án nhân dân tỉnh có thư kêu gọi đối tượng truy nã ra đầu thú có chữ ký của 03 ngành, trong thư có ghi số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo để gia đình đối tượng có thể gọi điện trực tiếp hỏi, chất vấn quyền lợi khi con em họ ra đầu thú. Kết hợp giữa chính quyền địa phương và các trinh sát dày dạn kinh nghiệm trực tiếp đưa thư kêu gọi đầu thú đến tận gia đình, người thân của đối tượng truy nã, khơi dậy niềm tin của gia đình đối tượng vào Nhà nước, pháp luật. Xóa đi mặc cảm tội lỗi, cũng như tâm lý lo lắng sợ ngồi tù, sợ xã hội kỳ thị. Từ đó khơi dậy mong muốn, khát khao làm lại cuộc đời, ý thức chấp hành pháp luật, cảm hóa đối tượng giúp họ tự nhận thức được hành vi của mình là sai trái, và tự nguyện đến cơ quan Công an đầu thú.

Bên cạnh các việc làm cụ thể trên, lực lượng trinh sát truy nã cũng thường xuyên đổi mới cách thức vận động, nâng cao trình độ, hiểu biết về tâm lý người bị truy nã, từ đó tìm ra cách ứng xử khéo léo nhất trong mọi tình huống, để kết quả vận động ĐTTN nói riêng, kết quả công tác dân vận phong trào thi đua "Dân vận khéo" nói chung đạt hiệu quả cao nhất.

Bằng sự cố gắng của tập thể đơn vị, công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong lực lượng CAND giai đoạn 2011 – 2015 tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã giành được những kết quả cao. Cụ thể trong 05 năm 2011-2015 đơn vị đã vận động đầu thú được 30 ĐTTN (trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm). Kết quả vận động đầu thú chiếm xấp xỉ 50% số đối tượng truy nã vận động đầu thú trên địa bàn toàn tỉnh là 72 đối tượng. Trong đó hiệu quả đem lại từ công tác dân vận đáng phải kể đến như:

Vận động ĐTTN nguy hiểm Cao Xuân Tính ra đầu thú: Đối tượng Cao Xuân Tính, sinh năm 1983, trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sa Thầy ra quyết định truy nã số 04QĐ ngày 07 tháng 2 năm 2014 về hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Theo lời khai ban đầu, khoảng tháng 7/2013 Cao Xuân Tính cùng với A Ho (trú tại thôn Đăk Đê, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vào khu vực rừng thuộc xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy để khai thác gỗ Hương trái phép. Trong lúc khai thác, Tính đã bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ và đưa về Trạm kiểm lâm Đăk Tao, huyện Sa Thầy để lập biên bản và xử phạt 10 triệu đồng về hành vi khai thác gỗ trái phép. Không có tiền nộp phạt, đối tượng trốn về quê tại xã Hóa Hợp, huyện Minh Hải, tỉnh Quảng Bình lẩn trốn. Để vận động thành công Cao Xuân Tính ra đầu thú, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã phải nhiều lần đến tận nhà, quê quán của đối tượng để vận động, thuyết phục gia đình Tính khuyên nhủ y ra đầu thú. Với sự khéo léo trong quá trình thuyết phục, giáo dục và tác động đến thân nhân, gia đình đối tượng; lực lượng trinh sát truy nã không những đã thành công trong việc vận động Tính ra đầu thú mà còn thành công trong việc giáo dục ý thức trách nhiệm của gia đình y đối với pháp luật. Trên cơ sở nắm được tâm lý người phạm tội, để khơi dậy ý thức, cảm hóa đối tượng giúp họ nhận thức được hành vi của mình là sai trái, và tự nguyện đến cơ quan Công an đầu thú.

Vận động ĐTTN Nguyễn Đình Trường ra đầu thú: Đối tượng Nguyễn Đình Trường, còn gọi là Xị (sinh năm 1994), có KHTT tại Tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành Phố Kon Tum ra quyết định truy nã số 02 ngày 25/01/2014 về hành vi Cố ý gây thương tích.

Theo hồ sơ điều tra, tháng 9/2013 Trường cùng với các đối tượng Sang, Lẹm, Tuấn, Khoa có gây sự với một nhóm thanh niên ở Thôn 8, xã Hòa Bình, Thành Phố Kon Tum. Đến 20h cùng ngày, trông thấy hai thanh niên ở Thôn 8 đi xe máy ra, trong đó người điều khiển là Bi (đối tượng có mâu thuẫn với nhóm bạn của Trường) có hành động khiêu khích. Với bản tính hung hãn, côn đồ Trường cùng đám bạn của mình về nhà lấy 1 cái rựa và 2 tuýp sắt dài 1m mang theo để giải quyết. Đến đường Nguyễn Hoàng Thái đoạn gần Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, nhóm của Trường đã chặn xe của 2 thanh niên trên rồi gây gổ. Trong đó Trường là người trực tiếp cầm 2 tuýp sắt hành hung. Sau khi gây sự, do lo sợ bị trả thủ cũng như trốn tránh cơ quan điều tra đối tượng bỏ vào Thành phố Hồ Chí Minh lẩn trốn.

Ngay khi tiếp nhận Quyết định truy nã của đối tượng Nguyễn Đình Trường do Cơ quan cảnh sát điều Công an Thành phố Kon Tum cung cấp, các trinh sát truy nã đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng để xác minh truy bắt đối tượng. Biết đối tượng dù lẩn trốn nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình để xin tiền cũng như nghe ngóng tình hình. Lãnh đạo đơn vị đã tập trung chỉ đạo cán bộ chiến sĩ chú trọng công tác vận động đầu thú thay vì xác minh truy bắt. Quá trình thuyết phục, giáo dục và cảm hóa gia đình đối tượng Nguyễn Đình Trường được tập trung chủ yếu vào bố đối tượng Ông Nguyễn Mẹo, vì ông là người mà Trường luôn nghe lời. Sau nhiều lần kiên trì vận động, đưa thư kêu gọi đối tượng Trường ra đầu thú, cũng như giải thích cụ thể những chính sách khoan hồng của pháp luật. Chưa đầy một tháng sau, ngày 20/02/2014 Nguyễn Đình Trường cùng bố đã đến Phòng cảnh sát truy nã tội phạm PC52 Công an tỉnh Kon Tum đầu thú.

Nguồn: congankontum.gov.vn/ Mai Hương, ngày 9/5/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất