Cách đây tròn 60 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số
301/BQP-TTL về việc: Thành lập Trường Bổ túc quân sự trung, cao cấp
(tiền thân của Học viện Quân Chính, Học viện Quân sự và Học viện Lục
quân ngày nay - Đơn vị cấp trên trực tiếp của Khoa Chiến thuật). Ngày 31
tháng 5, trở thành Ngày Truyền thống của lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng
viên Khoa Chiến thuật. Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống không chỉ là dịp
để mỗi cán bộ, giảng viên Khoa Chiến thuật khơi dậy niềm tự hào mà còn
là dịp để thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa hôm nay phấn đấu làm tốt
hơn nữa công tác dân vận trong điều kiện mới.
Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Chiến
thuật, Học viện Lục quân đã đóng quân trên nhiều vùng miền của Tổ quốc.
Trên mỗi địa bàn đóng quân, công tác, với từng giai đoạn lịch sử cách
mạng của đất nước, cán bộ, giảng viên Khoa Chiến thuật đều khắc ghi và
thực hiện tốt 12 điều kỷ luật của quân đội, làm tốt công tác dân vận, để
lại trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân
nhiều ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đi dân nhớ, ở dân
thương.
Nhớ lại những năm tháng chống Mỹ cứu
nước, Khoa Chiến thuật đã nhiều lần di chuyển vị trí đóng quân. Khoa vừa
huấn luyện, đào tạo cán bộ cho chiến trường miền Nam, vừa tham gia
chiến đấu chống giặc Mỹ đánh phá bằng không quân, bảo vệ nhân dân, bảo
vệ Học viện và hậu phương lớn - miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhân dân xã
Hoàng Diệu, Chương Mỹ (tỉnh Hà Đông); xã Trung Giã, Sóc Sơn (tỉnh Vĩnh
Phúc) cũng như đồng bào các dân tộc nơi bản làng vùng rừng núi Hòa Bình
vẫn nhớ mãi hình ảnh các thầy giáo Khoa Chiến thuật chấp hành nghiêm kỷ
luật, lăn lộn trong mưa nắng nơi thao trường, nhưng rất đỗi giản dị, gần
gũi, thân thương sau mỗi giờ huấn luyện. Sẻ chia gian khổ với các anh,
nhân dân đã nhường những ngôi nhà chật hẹp để các anh lên lớp, giảng bài
góp phần trang bị kiến thức, củng cố niềm tin “dám đánh và quyết đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược” cho học viên. Trong khói lửa của đấu tranh cách
mạng, các anh - những người thầy giáo mang màu áo lính - luôn mang trong
mình bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Các anh đã dựa vào dân, gắn bó máu thịt với nhân dân để chiến đấu, học
tập, công tác và nghiên cứu khoa học. Nhân dân nơi đóng quân đã thực sự
là “điểm tựa”, là “hậu phương” của Khoa Chiến thuật, Khoa Chiến thuật đã
góp phần đào tạo nên những thế hệ cán bộ trung, cao cấp “vừa hồng vừa
chuyên” cho Quân đội, vì nước quên thân, góp phần cùng với quân, dân cả
nước đánh bại ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền
Nam thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày thống nhất đất nước, chấp
hành kế hoạch sắp xếp lại thế bố trí chiến lược của các đơn vị Quân đội
trên toàn quốc, ngày 7 tháng 2 năm 1976, trong đội hình Học viện Quân
sự, Khoa Chiến thuật rời Nghĩa Đô, Hà Nội vào thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm
Đồng tiếp quản cơ sở đào tạo của quân đội chế độ cũ. Đến với vùng đất
đỏ cao nguyên còn bộn bề bao khó khăn của những ngày mới giải phóng;
Fulro hoành hành; sự bao vây cấm vận kinh tế của đế quốc Mỹ, chiến tranh
biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc bùng nổ… cấp ủy Đảng, Lâm Đồng
dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã rộng vòng tay chào đón và tạo
điều kiện để thế hệ giảng viên những năm tháng ấy nhanh chóng ổn định
cuộc sống. Đáp lại sự giúp đỡ tận tình, quý báu đó, dưới sự lãnh đạo,
chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; cán bộ, giảng viên Khoa
Chiến thuật đã cùng với đồng nghiệp liên hệ mật thiết với cấp ủy Đảng,
chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa tham gia giải quyết những khó
khăn về kinh tế - xã hội, ổn định địa bàn, vừa thực hiện tốt công tác
giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
và làm nghĩa vụ quốc tế.
Ngày nay, đất nước đang bước vào giai
đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào thế giới và
khu vực với nhiều thời cơ thuận lợi và thách thức đan xen. Công tác dân
vận của Đảng được tiến hành với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp
ngày càng đa dạng và phong phú. Đối với cán bộ, giảng viên Khoa Chiến
thuật, kinh nghiệm và bài học về công tác dân vận suốt 60 năm qua vẫn
còn nguyên giá trị và luôn xác định thực hiện tốt công tác dân vận là
nghĩa vụ, trách nhiệm của tập thể và mỗi cá nhân. Chính vì vậy, trong
những năm qua, Đảng ủy, Chỉ huy Khoa thường xuyên bám sát các nghị
quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; hiệp đồng
chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng - đơn vị kết nghĩa với
Khoa - xác định nội dung, xây dựng chương trình, đề xuất, triển khai các
biện pháp tiến hành công tác dân vận đi vào chiều sâu, theo hướng thiết
thực. Khoa đã tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm vào các chương trình
xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, xây dựng
nông thôn mới của Đảng trên miền đất cao nguyên Lâm Đồng.
Bên cạnh những hoạt động trên, Đảng
ủy, Chỉ huy Khoa thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, kiểm tra việc
thực hiện Quy định 76 của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác
liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và gương mẫu thực
hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú của cán bộ, giảng viên. Động viên,
khuyến khích cán bộ, giảng viên và gia đình thực hiện tốt phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam phát động. Hàng năm, 100% gia đình cán bộ, giảng viên
của Khoa đều đạt “Gia đình văn hóa”, trong đó có nhiều gia đình đạt tiêu
chuẩn “Gia đình văn hóa xuất sắc”; góp phần giữ vững an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh
Nguồn: baolamdong.vn/ Đặng Thế Quyền, ngày 27/5/2015