Thứ Tư, 25/12/2024
Việt Nam kiên quyết và bình tĩnh ứng phó dịch bệnh Covid-19

 

Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cho đến nay, chúng ta đạt được thành công bước đầu quan trọng, toàn diện trong phòng, chống dịch bệnh (PCDB); đây là không chỉ thử thách với ngành y tế mà còn thử thách về phương diện chính trị, hiệu lực, hiệu quả của chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Toàn xã hội phản ứng trách nhiệm và nhanh chóng, xử lý các bất cập rất kịp thời và quyết đoán. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng và chia sẻ khó khăn cùng chính quyền dù hằng ngày đối diện nhiều khó khăn; không có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Sự nỗ lực PCDB và thái độ và ứng xử của Việt Nam đã bước đầu được quốc tế ghi nhận; một phần thưởng lớn đối với chúng ta thời gian này chính là niềm tin của quốc tế, của nhân dân vào tinh thần, nỗ lực Việt Nam thời gian qua.

Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý, với trách nhiệm của mình, chúng ta cũng thấy bất cập, tồn tại từ thực tiễn chỉ đạo, đó là: khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý chưa hiệu quả; vẫn còn một số ít ngành, địa phương còn chủ quan; hành động tăng cường khả năng ứng phó cần được bổ sung tốt hơn.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các biện pháp PCDB hiệu quả; khống chế dịch tại Việt Nam một cách căn bản; không được chủ quan đối với dịch Covid-19; coi việc chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung của các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước. Chúng ta cần sớm phấn đấu không để bị nhiễm bệnh mà không được biết tới và nhanh chóng chữa khỏi cho mọi bệnh nhân nhiễm Covid-19, kể cả người nước ngoài.

Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần tổng hợp những giải pháp cụ thể trong PCDB. Bộ Ngoại giao làm tốt công tác bảo hộ công dân tại các nước có dịch. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị cách ly các trường hợp công dân Việt Nam, nước ngoài đến từ vùng dịch phải cách ly. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo hạn chế người dân không đi đến vùng dịch; theo dõi y tế kịp thời mọi trường hợp khi có bất kỳ các triệu chứng nào của bệnh, thực hiện tờ khai y tế ở các cửa khẩu. Các chuyến bay cần được tính toán căn bản theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Các hoạt động đông người cần tiếp tục hạn chế. Các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp đồng bộ, đó là phát hiện sớm, đề phòng chủ động; cách ly kịp thời mọi đối tượng từ vùng có dịch đến Việt Nam đủ 14 ngày; đặc biệt khoanh vùng, dập dịch như kinh nghiệm ở Vĩnh Phúc vừa qua; xử lý kịp thời hơn nữa không để lây chéo. Ngành y tế kịp thời điều trị tốt những người bị dương tính virus corona, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn ở mọi cấp, mọi ngành, ở các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không.

Thủ tướng đồng ý ban hành thêm một Chỉ thị nữa của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị để trình Thủ tướng ký ban hành. Chúng ta kiên quyết nhưng bình tĩnh trong PCDB; cố gắng hoàn thành mục tiêu kép trong triển khai các nhiệm vụ, đó là chống dịch tốt, nhưng đồng thời triển khai tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, bảo đảm các hoạt động bình thường.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phối hợp các ngành sớm ban hành chỉ thị về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định các mặt của đời sống xã hội; nhất là tích cực chuẩn bị đón đầu khi dịch giảm hoặc dừng lại và tình hình phục hồi trở lại. Khởi động chương trình du lịch Việt Nam an toàn, hàng không Việt Nam an toàn; tiếp tục tìm thị trường mới như châu Âu, Mỹ...; các cấp, các ngành, công ty, doanh nghiệp khắc phục sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước bằng những giải pháp chủ động hơn. Người dân phải tự tin, tích cực phòng, chống dịch nhưng phải bảo đảm sinh hoạt bình thường. Các DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu chính ngạch cả đường bộ và đường biển. Đẩy mạnh nội nhu nền kinh tế, tăng cường sản xuất tiêu dùng trong nước, phát triển đô thị, giải quyết việc làm…; sẵn sàng đón dòng đầu tư từ các nước đến Việt Nam bởi đến nay, Việt Nam vẫn là một địa chỉ an toàn; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhất là các ngành không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như đồ gỗ, xuất khẩu rau quả, điện tử...

Giữ vững các loại thị trường, kể cả thị trường chứng khoán; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá cả vật tư y tế, bảo đảm an ninh lương thực. Đối với một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội cần sẵn sàng, nghiên cứu một số phương án để bảo đảm ổn định nguồn cung. Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vào phiên họp tới của Thường trực Chính phủ để đưa ra quyết định cuối cùng về thời gian cho học sinh học trở lại. Tiếp tục xử lý các vấn đề đối ngoại chặt chẽ, khéo léo trong bối cảnh Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm nay. Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần Việt Nam, một niềm tin của nhân dân, niềm tin của quốc tế, quyết tâm hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, do đó cần phát huy tinh thần này để hoàn thành mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Quốc hội giao. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, chúng ta không run sợ, không lo lắng nhưng cũng không được chủ quan; cần nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của nhân dân, dám nghĩ dám làm, kỷ cương, đoàn kết sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức từ T.Ư đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp trong nước với FDI.

Thường trực Chính phủ cảm ơn nhân dân, đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng, các lực lượng vũ trang và các ngành, các cấp liên quan trong đóng góp PCDB thời gian qua. Do đó chúng ta cần hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn, để công cuộc PCDB đạt thành công, trong bất cứ hoàn cảnh nào phải giữ được bình an cho xã hội, cho nhân dân.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi