Thứ Sáu, 10/1/2025
Thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch”



Sáng 14/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và nhất là tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Hải Dương; quản lý các trường hợp nhập cảnh; công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT sau đợt 1…

Dự kiến hết tháng 8/2020 kiểm soát được tình hình Đà Nẵng, Quảng Nam

Về tình hình ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Dự kiến đến hết tháng 8/2020 có thể kiểm soát được tình hình.

Đối với công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ địa phương. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.

Tuy nhiên, do đợt này, dịch COVID-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm COVID-19 chỉ như "giọt nước tràn ly". Nên mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng quan ngại

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, chùm ca bệnh ở Hải Dương rất đáng quan ngại. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Kết quả sẽ có sau một vài ngày.

Ban Chỉ đạo cho rằng việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương là một biểu hiện cộng đồng còn rất chủ quan. Sau khi xảy ra dịch bệnh ở Đà Nẵng, nhiều cảnh báo đã được đưa ra trên cả nước nhưng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ, khách hàng đều không đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.

Để chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động,... Đây là những biện pháp rất cần thiết và kịp thời. Bộ Y tế đã phối hợp sát sao với tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó; đồng thời Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong công tác truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu trên diện rộng, tiến hành xét nghiệm thật nhanh để ngăn chặn dịch.

Sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa

Thảo luận, đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”. Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương. Hôm nay dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác…

Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch bệnh COVID-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vacine đặc hiệu. Hiện chúng ta cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vacine để phục vụ chống dịch.

Vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa tin một số nước đã sản xuất được vaccine. Tuy vậy, để có thể nhập về và tiến hành tiêm chủng còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nhà sản xuất và quy định của pháp luật Việt Nam về thử nghiệm vacine trước khi tiêm chủng đại trà… Thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng.

Phải "chung sống an toàn với dịch"

Từ phân tích trên, Ban Chỉ đạo khẳng định, chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng.

Phương châm phòng chống dịch của chúng ta là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân, có biểu hiện chủ quan, ứng phó đủng đỉnh, chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Theo đó, chúng ta cần phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với người dân, Ban Chỉ đạo kêu gọi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như: Hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết; nếu đi ra nơi công cộng thì phải thường xuyên đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc,… Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan truyền thông, tổ chức, đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, cộng tác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch.

Các cấp chính quyền phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, ấn định thời gian thực hiện, sau đó xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, “vừa tuyên truyền mạnh mẽ, vừa xử lý nghiêm mới có tác động cảnh báo, nâng mức phòng ngừa xã hội”.

Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh

Về quản lý đối tượng nhập cảnh là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… đề nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức cách ly, an toàn vệ sinh dịch tễ. Đồng thời cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới (như một số nước tiên tiến đã thực hiện test nhanh đối với những người vừa xuống sân bay; hay gắn vòng điện tử theo dõi người nhập cảnh) để nhanh chóng sàng lọc, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, vừa qua lợi dụng chính sách đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đã xuất hiện những đường dây thông qua doanh nghiệp để tổ chức đưa người nhập cảnh không đúng quy định. Bộ Công an đang tiến hành điều tra và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc tổ chức tiếp nhận đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam tại các địa phương, để đảm bảo vừa tạo điều kiện cho sản xuất, vừa phải bảo đảm an toàn. Không để những rủi ro dịch tễ trở thành hiện thực.

Về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Ban Chỉ đạo đánh giá, đợt 1 kỳ thi đã được tổ chức thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương do có dịch nên chưa tổ chức thi được.

Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để ngay sau khi dịch ở các địa phương được khống chế, thì tiến hành tổ chức thi ngay. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã lên các phương án tổ chức các đợt thi tiếp theo, để sớm hoàn thành kỳ thi theo quy định.

(baochinhphu.vn)


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất