Thứ Sáu, 19/4/2024
Kon Tum: Bộ đội Biên phòng làm “dân vận khéo”
 
BĐBP tỉnh trao tặng nhà Mái ấm tình thương cho con nuôi của Đồn Biên phòng Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. 


Thực hiện các Nghị quyết của quân đội về “Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của BĐBP trong tình hình mới”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt nội dung nhiệm vụ tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp và sát với tình hình thực tế từng đơn vị, địa bàn.

Trung tá Phạm Tiến Dũng- Phó Chủ nhiệm chính trị (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) chia sẻ: Để phong trào thi đua “dân vận khéo” đạt hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đặc biệt coi trọng việc xây dựng, triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động; tập trung thực hiện hiệu quả các mô hình, công trình, phần việc giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, sớm ổn định cuộc sống gắn với xây dựng, củng cố, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn.

Thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo”, từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, đồn Biên phòng trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện 24 mô hình, trên 80 công trình và hàng trăm phần việc giúp dân, được nhân dân và cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới đón nhận và đánh giá cao.

Trong số đó, có 11 mô hình “dân vận khéo” có hiệu quả thiết thực, đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 13 xã biên giới như: Cán bộ tăng cường xã biên giới cơ cấu giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã; xây dựng thôn Đăk Ga, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) no đủ, vững mạnh, an toàn; phân công đảng viên đội công tác địa bàn các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo; phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới; đưa cán bộ đoàn các đồn biên phòng cơ cấu phó bí thư đoàn xã biên giới; thôn đạo bình yên; mỗi tuần làm sạch một thôn, làng; đồng hành cùng phụ nữ biên cương; nâng bước em đến trường; con nuôi đồn biên phòng; hỗ trợ con giống, cây trồng, vật nuôi, giúp dân trồng sâm dây, bời lời, nuôi bò giống sinh sản, heo lai rừng…

Đặc biệt, có một số mô hình “dân vận khéo” đã và đang phát huy tác dụng, được phổ biến nhân rộng trên địa bàn biên giới. Điển hình là mô hình đưa đảng viên đội công tác địa bàn các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo được triển khai thực hiện từ năm 2011 tại địa bàn xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) do Đồn Biên phòng Rờ Kơi làm thí điểm.

Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra 13 xã/16 đồn, có 67 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 63 chi bộ thôn và 38 cán bộ, đảng viên các đồn Biên phòng kết nghĩa với 32 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ bám nắm địa bàn, sâu sát với người dân, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã góp phần giúp 167 hộ gia đình trên địa bàn các xã biên giới vươn lên thoát nghèo.

Hay mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản cho nhân dân khu vực biên giới của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) được triển khai từ năm 2011 với 15 con bò giống ban đầu giao cho 15 hộ gia đình nhận nuôi. Đến nay, mô hình này phát triển lên 126 con bò với 69 hộ gia đình trên địa bàn biên giới tham gia nhận nuôi.

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn chủ động phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Hội LHPN tỉnh Đồng Nai thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên địa bàn 5 xã biên giới. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình này đã hỗ trợ thực hiện nhiều phần việc, công trình như xây dựng nhà Mái ấm tình thương, nhà vệ sinh giá rẻ, hỗ trợ sinh kế, tặng quà... tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng.

Nhờ triển khai đồng loạt, có hiệu quả các mô hình “dân vận khéo”, đến nay, có 13,2% hộ nghèo các xã biên giới đã vươn lên thoát nghèo; có 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 80-85% số hộ gia đình có nhà xây, mái lợp tôn hoặc lợp ngói.

Phong trào “dân vận khéo” từ những người lính mang quân hàm xanh thực hiện ở vùng biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng biên, góp phần củng cố niềm tin giữa dân với Đảng. Niềm tin đó đã tăng thêm sức mạnh, tạo nên thế trận biên phòng lòng dân vững chắc nơi vùng biên cương Tổ quốc.

(baokontum.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất