Thứ Năm, 9/1/2025
Dân vận chính quyền từ cơ sở

Giải quyết các “điểm nóng” qua đối thoại

Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 39 đi qua chín xã, thị trấn của huyện Hưng Hà, tổng chiều dài 17,5km buộc gần 3.000 hộ dân phải giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những điểm nóng kéo dài nhiều năm do một số hộ dân chưa đồng ý nhận bồi thường (tháng 3-2018 còn 125 hộ). Để giải quyết vướng mắc, huyện Hưng Hà tăng cường công tác vận động nhân dân với hình thức gặp gỡ, đối thoại. Qua 18 cuộc đối thoại, Huyện ủy đã nắm được nguyên nhân chưa nhận bồi thường chủ yếu là các hộ chưa nhất trí về ranh giới thửa đất tiếp giáp với quốc lộ 39, đề nghị bồi thường đất ra tận mép đường và nguồn gốc đất là đất nông nghiệp nhưng đề nghị bồi thường là đất ở hợp pháp…Từ đó, Huyện ủy thành lập nhiều đoàn công tác do trực tiếp các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xuống từng nhà vận động, giải thích rõ quy định pháp luật về đất đai với từng hộ dân. Được nghe giải thích thấu đáo, hầu hết các hộ dân đã đồng ý nhận tiền hỗ trợ. Cuối năm 2018, huyện Hưng Hà bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Những năm gần đây, huyện Tiền Hải triển khai khá nhiều dự án liên quan công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nổi bật là dự án Cụm công nghiệp An Ninh liên quan đến việc thu hồi chuyển đổi hơn 37 ha đất nông nghiệp của hơn 300 hộ dân tại xã An Ninh; dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A đi qua tám xã trong huyện. Gần đây nhất là dự án đường bộ ven biển, có chiều dài hơn 34km, đi qua 19 xã thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Tại huyện Tiền Hải, theo kế hoạch huyện sẽ phải hoàn thành giải phóng mặt bằng tại 13 xã với diện tích hơn 63ha, của 1.074 hộ gia đình, cá nhân. Để không xảy ra “điểm nóng”, Huyện ủy Tiền Hải chỉ đạo tập trung công tác đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân nơi có dự án. Cụ thể, đối với dự án đường ven biển, vướng mắc phát sinh khi mức chi trả cho các hộ có diện tích đất nuôi trồng thủy sản không được quy định chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, tiền đầu tư sản xuất của nhân dân rất lớn, nhất là với các hộ nuôi ngao giống, cua biển... Qua nhiều lần tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, huyện đã đề xuất với tỉnh phương án bồi thường theo mức tài sản trên đất. Phương án thông qua lập tức nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Từ đó, việc giải phóng mặt bằng hoàn thành sớm hơn dự kiến. Theo kinh nhiệm của Ban Dân vận Huyện ủy Tiền Hải, trong tổ chức đối thoại phải làm sao có được các cơ quan chuyên môn vào cuộc. Thí dụ, đối thoại đền bù giải phóng mặt bằng dù là huyện ủy, hay UBND huyện chủ trì thì cũng cần các cơ quan chuyên môn như Ban quản lý dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính, cơ quan thanh tra… cùng làm việc. Khi đối thoại những vấn đề liên quan đến cơ quan nào thì lãnh đạo cơ quan đó phải giải trình làm rõ; đồng thời có phương hướng giải quyết để nhân dân biết, giám sát. Với cách làm này, hầu hết thắc mắc, kiến nghị của nhân dân đều được giải quyết kịp thời. Còn với Ban Dân vận Huyện ủy Hưng Hà thì bài học kinh nghiệm trong tổ chức đối thoại là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Xuất phát từ tâm lý người dân luôn mong gặp người lãnh đạo cao nhất, và thực tế khi người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chủ trì đối thoại thì công tác chỉ đạo giải quyết các vướng mắc cũng nhanh chóng, kịp thời hơn, tránh được tình trạng kéo dài do các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm. Ngoài quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, huyện phải tiếp dân thì hiện nay, nhiều huyện ủy như Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đều xây dựng quy định về ngày tiếp dân hằng tháng của đồng chí bí thư huyện ủy (Huyện ủy Hưng Hà chọn ngày 28 hằng tháng)…

Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân đã trở thành giải pháp quan trọng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Không chỉ ở cấp huyện, xã mà Tỉnh ủy Thái Bình cũng rất chú trọng công tác đối thoại. Hầu hết các dự án lớn, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức đối thoại với nhân dân ngay từ cơ sở. Không chỉ nhằm giải quyết vướng mắc, qua đối thoại còn là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những mục tiêu, phương hướng phấn đấu của tỉnh, thời cơ cũng như thách thức để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đồng lòng phấn đấu. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân cũng từ đó mà được củng cố, bồi đắp.

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hưng Hà Trần Thị Vân chia sẻ, hầu hết các vụ việc gây bức xúc, kéo dài là do khâu giám sát, phản biện chưa được chú trọng. Thống kê cho thấy đơn thư, khiếu kiện thời gian qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Một phần nguyên nhân là khi xây dựng chương trình, dự án, các cơ quan chức năng rất ít tham vấn ý kiến của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Khi có vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, các cơ quan chính quyền mới triển khai công tác dân vận. Lúc này, có nơi đã thành điểm nóng. Từ thực tiễn, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai hàng loạt chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của Huyện ủy với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND về việc giám sát, phản biện các chương trình, dự án. Trong đó, một nội dung quan trọng là việc giám sát, phản biện phải được thực hiện ngay từ khi xây dựng đến triển khai và kết thúc các chương trình, dự án.

Từ thực tế địa phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiền Hải Hoàng Văn Túy cho rằng, giám sát, phản biện cần tập trung mạnh ngay tại cơ sở, vì các “điểm nóng” thường xuất phát từ những vi phạm kéo dài không được giải quyết, do công tác giám sát, phản biện của hệ thống chính trị cơ sở còn bất cập. Đền Hợp Phố là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh do UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải trực tiếp quản lý, khai thác. Năm 2014, UBND xã lập Báo cáo kinh tế, kỹ thuật tu bổ di tích, UBND xã Nam Phú đã bỏ qua khâu lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân nên sau khi được cấp trên phê duyệt, một bộ phận nhân dân đã không đồng thuận, phản đối. Tương tự, việc để xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trong thời gian dài, gây bức xúc trong nhân dân tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành, nguyên nhân cũng do cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, đã để cán bộ địa phương ra quyết định cho thuê đất trái thẩm quyền, cấp giấy phép xây dựng sai quy hoạch...

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Hữu Nam cho biết, qua kiểm tra cho thấy, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong công tác dân vận chính quyền ở cơ sở chưa thật sự mạnh mẽ. Trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Vì vậy, vừa qua Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 30 về công tác dân vận, trong đó xác định rõ lực lượng nòng cốt trong công tác dân vận chính là MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này, tập trung ở cơ sở. Chỉ thị cũng nhấn mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội, coi đây là một giải pháp quan trọng trong công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền. Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo các cấp ủy đảng trong tỉnh nghiên cứu, cụ thể hóa những nội dung này vào phương hướng, nhiệm vụ công tác dân vận trong nhiệm kỳ tới.

(nhandan.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất