Thứ Năm, 9/1/2025
Công việc thầm lặng trước thềm năm học
 
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS 19/5 vận động các gia đình cho học sinh tới trường.


Mang trên mình bộ quần áo giản dị, đi đôi dày bệt có đế chống trơn, cất trong túi vài gói kẹo nhỏ, đó là hành trang lên đường làm công tác “dân vận” đưa trẻ đến trường của cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 19/5. Theo chia sẻ của cô Huyền, nhà trường có 1.417 học sinh tại 8 bản, tiểu khu; với trên 70% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm qua, công tác vận động học sinh đi học đầy đủ luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Do các gia đình đông con, lại khó khăn về kinh tế, các em học sinh trở thành lao động chính trong nhà... Nên tình trạng một số học sinh không đi học đều, nghỉ học để phụ gia đình kiếm tiền, dẫn đến công tác duy trì sĩ số của nhà trường còn gặp những khó khăn nhất định. Trước thềm năm học mới, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các biện pháp phòng dịch Covid-19, thì ngay từ giữa tháng 8, giáo viên tại các điểm trường đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo lịch trở lại trường học; vận động phụ huynh đưa con, em trở lại trường đầy đủ, đúng thời gian quy định.

Từ tiểu khu Mía đường, nơi đứng chân của điểm trường trung tâm, chúng tôi về điểm trường Pa Khen 1, nơi có đến 332/333 học sinh đồng bào dân tộc Mông, Dao, phần lớn là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi này còn có giáo viên chủ nhiệm các lớp tại điểm trường. Cơn mưa chiều làm con đường đất nhỏ dẫn vào căn nhà của gia đình chị Tráng Thị Dí, bản Pa Khen 1, thêm phần lầy lội, trơn trượt. Trước mắt chúng tôi là căn nhà chưa đầy 30 m², tường dựng bằng rào sắt, phủ bạt bao quanh, mái lợp nứt vỡ khiến nước mưa dột khắp nhà. Đồ đạc không có thứ gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường dựng tạm bằng tấm gỗ kê trên những viên gạch. Tìm hiểu được biết, chồng chị Dí mất sớm, chị một mình nuôi 4 đứa con, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tuổi. Không có ruộng, nương, cũng không có việc làm, ai thuê gì thì chị Dí làm nấy để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Điều đáng nói là dù khó khăn bộn bề, nhưng các con của chị Dí vẫn được đi học đều nhờ sự động viên, hỗ trợ từ phía cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS 19/5. Ngồi bên bếp lửa, chuẩn bị bữa tối cho 5 mẹ con bằng những gói mì tôm cuối cùng trong nhà, chị Dí tâm sự: Có những ngày khó khăn quá, mấy đứa lớn phải nghỉ học trông em hoặc đi làm thuê để kiếm tiền. Do tôi không có điện thoại, các thầy cô giáo không thể liên lạc, nên mỗi lần thấy cháu nghỉ học, các thầy cô lại tới tận nhà hỏi thăm, động viên cháu đi học lại. Thầy giáo chủ nhiệm còn thực hiện dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức cho cháu sau ngày nghỉ học...

Rời Pa Khen 1, chúng tôi tiếp tục tới bản Tà Loọng. Nghe tiếng gọi quen thuộc, chị Nguyễn Thị Duyên, phụ huynh của cháu Lê Khánh Vân phấn khởi ra đón cô giáo chủ nhiệm của con. Do hoàn cảnh, mấy năm nay, chị Duyên một mình nuôi 2 con nhỏ bằng nguồn trợ cấp cho người khuyết tật khoảng 400.000 đồng/tháng, cùng thu nhập ít ỏi mỗi ngày từ vườn rau của gia đình. Căn bệnh teo dây thần kinh chân bẩm sinh khiến việc di chuyển của chị Duyên gặp rất nhiều khó khăn. Trong lời tâm sự nghẹn ngào, chúng tôi hiểu phần nào sự vất vả, cực nhọc mà chị Duyên phải gánh vác. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, các thầy cô giáo luôn chủ động kết nối với gia đình để nắm bắt tình hình, sẵn sàng hỗ trợ chị Duyên đưa, đón cháu đi học, hay mỗi khi chị cần sự giúp đỡ. Nhờ đó, tâm nguyện cho con được đến trường của chị Duyên luôn được thực hiện đầy đủ; cháu Lê Khánh Vân cũng luôn phấn đấu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học lớp 1 vừa qua.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng dù trong bất kỳ tình huống nào, các giáo viên nơi đây cũng sẽ tìm cách để giúp đỡ, hỗ trợ học trò của mình. Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, cũng là từng ấy thời gian, cô Nguyễn Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường đồng hành, gắn bó với các thế hệ học sinh ở vùng đất này. Nói về “bí quyết” vận động học sinh tới lớp, cô Huyền chia sẻ thêm: Với những em học sinh nghỉ học, chúng tôi sẽ kịp thời liên lạc với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu không liên lạc được, chúng tôi sẽ tới tận nhà, tranh thủ đi sớm hơn giờ họ đi làm, hoặc đến vào buổi tối để có thể gặp được gia đình. Có nhiều khi phải đến vài lần mới gặp, nhưng chúng tôi quyết tâm phải thuyết phục bằng được gia đình cho học sinh trở lại lớp. Để động viên học trò, chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi để mua tặng các con những chiếc quần, áo, chiếc bút, cuốn vở mới... Và, chẳng có gì đáng quý hơn tình cảm, nên chúng tôi luôn coi học sinh như con, cháu của mình, dành những cử chỉ ân cần, quan tâm nhất, để học sinh cảm nhận được rằng trường học sẽ là nhà, giáo viên là người cha, người mẹ thứ 2... Về phía Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi cũng chỉ đạo các giáo viên thực hiện rà soát, nắm bắt tình hình, chỉ đạo tổ chức Đội xây dựng kế hoạch, kết nối với các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ các em học sinh.

Bằng chính những nỗ lực không quản khó khăn, vất vả, các thầy, cô giáo đã khiến trường học thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của học sinh, là nơi mà các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi gửi gắm con em mình. Với cách làm này, 5 năm trở lại đây, nhà trường không có học sinh bỏ học; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%. Năm học mới lại bắt đầu, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và THCS 19/5 lại tiếp tục với sự nghiệp ươm trồng những mầm xanh, tựa như lời thơ trong bài “Có một nghề như thế” của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đinh Văn Nhã - “Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”.

(baosonla.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất