Thứ Hai, 25/11/2024
Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và một số địa phương; Đại sứ các nước Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; các tổ chức quốc tế... dự lễ khai trương do VPCP tổ chức.

Tại buổi lễ, thông qua Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thứ 1000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kiện này có ý nghĩa lớn khi được tổ chức đúng vào dịp VPCP tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Đại hội thi đua yêu nước; cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Qua ý kiến của các đại biểu, của các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của VPCP, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Công ty Samsung Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chuyên gia trong nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các chức năng, tính năng, giải pháp thiết lập Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; ghi nhận, biểu dương Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đã xây dựng Hệ thống theo hình thức doanh nghiệp đầu tư và cho thuê lại dịch vụ, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số"".

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề với các bộ, địa phương, cơ quan. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ.

Trong tương lai không xa, chúng ta phải hướng tới, xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên chính phủ trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới; đặc biệt đối với các nước Cộng đồng ASEAN. Phát triển Chính phủ điện tử có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế, được xem là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế.

Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Các công ty công nghệ thông tin đặc biệt là các Tập đoàn VNPT, Viettel cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên, đồng hành, góp phần giúp các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ của các hệ thống.

Các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích, Thủ tướng nêu rõ, thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Thủ tướng giao VPCP chủ trì phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.

Thủ tướng yêu cầu VPCP phải sắp xếp lại bộ máy nhân sự để quản lý vận hành trung tâm này phù hợp, hiệu quả, không hình thành một đầu mối tổ chức mới, không tăng biên chế theo tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương.


Sau lễ khai trương, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành phải được vận hành hoạt động tốt và phát huy tác dụng tốt. “Thủ tướng sẽ kiểm tra xem nó hoạt động như thế nào và hằng ngày Thủ tướng nhận được những báo cáo nào, những chỉ tiêu nào mà thể hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng của đất nước để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ biết, để điều hành kịp thời hơn”.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thời gian qua, VPCP đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, như các hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống Thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, với sự chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa VPCP và các bộ, ngành địa phương, chuyên gia trong nước, quốc tế và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là Tập đoàn VNPT, đến thời điểm này, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương; đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia theo phân cấp quản lý.

Việc thiết lập Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành với trang thiết bị, công nghệ tiến tiến, được kết nối, tích hợp, liên thông và chia sẻ với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm điều hành, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, được bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu, sẽ phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương; trực tiếp chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa.

Hệ thống dữ liệu, thông tin được thu thập, đã qua tổng hợp, xử lý từ Hệ thống thông tin báo cáo và Trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương sẽ được lựa chọn tích hợp, kết nối và hiển thị trực quan tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, minh bạch, chính xác, bảo mật, làm căn cứ tin cậy để VPCP và các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Hệ thống và Trung tâm nêu trên được khai trương sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Việc Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành triển khai các phân hệ phần mềm báo cáo dùng chung, các địa phương chỉ triển khai xây dựng hệ thống đối với các báo cáo phục vụ mục tiêu quản lý đặc thù sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải.

Bên cạnh việc quan tâm thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ với người dân, doanh nghiệp, trong đó Cổng Dịch vụ công quốc gia là một kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

Đặc biệt, sau hơn 8 tháng vận hành, từ chỗ mới cung cấp 8 dịch vụ công vào thời điểm khai trương (9/12/2019), hôm nay là thời điểm đánh dấu mốc 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

"Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; sự ủng hộ, chung tay, phối hợp, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, công dân điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Để Hệ thống TTBCQG, Trung tâm thông tin để phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả, đạt được những mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh VPCP rất cần sự đồng hành, tiếp tục chung tay của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tiếp theo./.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi