Ngày 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung chủ yếu của dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN 2021, dự thảo Kế hoạch tài chính-NSNN 2021-2023, dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.
|
Thủ tướng chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 19/8 |
Hoan nghênh sự chuẩn bị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến về khát vọng phát triển đất nước của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các dự thảo kế hoạch, báo cáo để trình phiên họp Chính phủ tới.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải bảo đảm các cân đối lớn, sự phát triển của nền kinh tế, không bị đứt gãy trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19, bảo đảm sự tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân.
“Chúng ta không thể bị động trong chỉ đạo điều hành và xây dựng kế hoạch. Càng khó khăn chúng ta càng chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó”, Thủ tướng nêu rõ. Có khó khăn, có ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch bệnh nhưng nhiệm vụ đặt ra là phải có giải pháp, đối sách rõ ràng, hiệu quả, khả thi để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, kể cả trong ngắn hạn 2021, trong trung hạn 2021-2025. Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể vô cảm trước sự khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
“Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí, đặc biệt là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ thấm nhuần tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó. Chúng ta cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, không có quyền anh quyền tôi, cho suy nghĩ cá nhân chi phối, không để tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Tất cả thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH năm nay cũng như năm 2021 và các năm tiếp theo.
Các nước trên thế giới đều có các biện pháp giảm thiểu tác động nghiêm trọng của COVID-19, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Các gói hỗ trợ của các nước đều rất lớn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương phải tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay.
Thủ tướng nêu rõ giải pháp, đối sách phải chủ động linh hoạt, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Trong đó, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mạnh mẽ, đặc biệt là chính sách tài khóa mở rộng với mức độ hợp lý để hỗ trợ kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cung và cầu đều yếu thì việc thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ kích thích tổng cầu là việc làm hết sức cần thiết trong lúc này mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai.
Phương án dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thậm chí cả 2021-2025 nếu dịch COVID-19 kéo dài phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí như thế nào.
|
Quang cảnh phiên họp |
Cho biết nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để nâng đỡ doanh nghiệp phát triển, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng nội địa, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Thủ tướng lưu ý quan điểm chính sách của chúng ta phải rõ và cùng với đó, phải giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đi liền với đó là chính sách an sinh xã hội trong dự toán thu chi ngân sách Nhà nước 2021, đặc biệt là người lao động thiếu việc làm, lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề tận dụng sự thay đổi của chuỗi cung ứng. Tiếp tục hỗ trợ một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, y tế, giáo dục.
Thúc đẩy các chính sách kinh tế mới với các ưu đãi về thuế như doanh nghiệp công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến như đào tạo từ xa, khám chữa bệnh từ xa.
Có chính sách khuyến khích tiêu dùng hợp lý thông qua chính sách thuế, phí, kể cả sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nước, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế xả thải.
Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng, kể cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng tất cả các nguồn lực có thể, trong đó bố trí trong kế hoạch 2021-2025 những công trình, chương trình quan trọng đối với sự phát triển đất nước như cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển, những tuyến xuyên tâm, đầu tư về công nghệ như kinh tế số…
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm tỉ trọng chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả vốn đầu tư công; phân cấp ngân sách Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Nội dung báo cáo cần thể hiện rõ chủ trương, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để đóng góp vào phục hồi phát triển KT-XH.
(baochinhphu.vn)