|
Hậu Giang đã và đang tập trung xây dựng chính quyền thân thiện, hết lòng phục vụ nhân dân. |
Chính quyền thân thiện
“Hậu Giang đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu xây dựng thành công chính quyền thân thiện, kiến tạo”, đồng chí Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, từng khẳng định.
Chính quyền thân thiện của tỉnh theo đồng chí Lê Tiến Châu là chính quyền đề ra phương châm giải quyết hết việc chứ không hết giờ. Hình ảnh nhiều cơ quan, ban, ngành đêm luôn sáng đèn để giải quyết việc công là hình ảnh thường xuyên. Từ đó, hồ sơ hành chính quá hạn hoặc chưa triển khai giảm đáng kể, thể hiện sự thay đổi tư duy, phong cách làm việc mang tính phục vụ.
Huyện Châu Thành A thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện với Nhân dân” từ đầu năm 2017 với 2 xã được chọn làm điểm là Tân Phú Thạnh và Thạnh Xuân. “Kết quả mang lại là rất thiết thực khi cán bộ, công chức thực sự thấu hiểu và chia sẻ vướng mắc, bức xúc của dân và doanh nghiệp, có thái độ tôn trọng, gần gũi với dân”, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Thạnh Trần Minh Cảnh cho biết.
Ông Tăng Hữu Cầu, ở ấp Thạnh Mỹ, xã Tân Phú Thạnh, nói: “Điều tôi thấy hài lòng nhất là cán bộ xã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và không có thái độ hách dịch, xa cách với dân”.
Thấy rõ hiệu quả nên năm 2018, huyện Châu Thành A tiếp tục nhân rộng thực hiện tại 8 xã, thị trấn còn lại. Đồng chí Trần Văn Chính, Bí thư Huyện ủy, nói đã chỉ đạo chủ tịch UBND 10 xã, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị. Nhờ vậy mà trong toàn huyện không nghe người dân phản ánh tình trạng cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà.
Cầu thị ghi nhận sự đánh giá, góp ý của dân về thái độ, cung cách phục vụ từ cán bộ phụ trách một cửa các cấp, huyện Châu Thành A còn thực hiện phát phiếu khảo sát ý kiến với các mức độ: rất hài lòng, hài lòng và chưa hài lòng. Một tín hiệu vui là hầu hết người dân đều rất hài lòng.
Xuất phát từ hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện”, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học: “Xây dựng mô hình chính quyền thân thiện cấp xã ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang”. Qua đó, xây dựng cơ sở lý luận để nhân rộng mô hình. Giờ đây, đi đến đâu trên địa bàn tỉnh cũng nghe cấp ủy, chính quyền các cấp nói đến chuyện tổ chức chính quyền thân thiện, nâng cao hiệu quả, cung cách phục vụ người dân.
Từ tháng 9-2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Đây được xem là cách làm cần thiết để kiến tạo nên một chính quyền thân thiện, hết lòng, hết sức phục vụ người dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu nhấn mạnh: “Thông qua phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang thi đua thực hiện văn hóa công sở” góp phần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở, xem đây là nền tảng, tiền đề cho phong trào thi đua. Bên cạnh đó, tỉnh cần kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa, hiệu quả; hình thành nên hình ảnh, tác phong, cốt cách của người cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo, vì người dân phục vụ”.
Đối thoại giúp chúng tôi hiểu người dân hơn
Ngày 18/2/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Nhìn lại mới thấy Tỉnh ủy Hậu Giang đã “đi trước” khi ban hành Quyết định số 135 ngày 23/12/2015 về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh (nay là Quyết định số 1681 ngày 23/1/2019 về việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân). Tính đến cuối năm 2019, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tổ chức được hơn 680 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Qua đó, ghi nhận 77.500 ý kiến, đề xuất, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực của đời sống. Kết quả đối với cấp tỉnh, đã giải quyết kiến nghị của người dân đạt tỷ lệ 99,95%; cấp huyện giải quyết đạt tỷ lệ 99,92% và cấp xã là 98,74%. Từ đó, củng cố hơn lòng tin trong Nhân dân.
Khi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Lồng, phường Trà Lồng, mạnh dạn phản ánh khó khăn ở trường mình: “Nhiều năm qua, nhà trường phải mượn 7 phòng của nhà thờ Trà Lồng để làm phòng học. Chủ trương xây dựng Trường Tiểu học Trà Lồng đã có nhưng chưa thấy triển khai. Xin ngành chức năng trả lời cho chúng tôi biết cụ thể khi nào mới xây dựng?”.
Trước ý kiến này, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, trả lời là UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây dựng Trường Tiểu học Trà Lồng. Dự án này gồm 14 phòng học, thời gian thi công 18 tháng, kinh phí 32 tỉ đồng và sẽ sớm đưa vào khai thác.
Hiện nay, công trình đang được thi công theo đúng lộ trình. “Dự kiến, công trình sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2020-2021. Thầy và trò chúng tôi phấn khởi lắm vì điều kiện dạy và học sẽ tốt hơn trước rất nhiều”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng bộc bạch.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường thường ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân tại các buổi tiếp xúc, đối thoại. Đáng mừng là hầu hết ý kiến đều được giải quyết thỏa đáng.
Cụ thể, từ tháng 12-2015 đến tháng 12-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao tham mưu trả lời, giải quyết 79 nhóm ý kiến phản ánh. Đến nay, 100% ý kiến được tham mưu giải quyết. Trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền thì lãnh đạo Sở sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với dân để đảm bảo việc giải quyết được khách quan, hợp tình, hợp lý.
Chia sẻ những cái “được” qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, đồng chí Lý Hùng Em, Phó Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, cho rằng: “Chủ động tiếp xúc, đối thoại giúp chúng tôi hiểu người dân hơn, có được nhiều thông tin quý từ cơ sở để giải quyết ngay các vấn đề khi chưa trở nên phức tạp; kịp thời tham mưu, bổ sung, điều chỉnh để chủ trương, chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân. Đây cũng là kênh giám sát quan trọng để phòng, chống những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ”.
Xác định nếu chỉ ghi nhận ý kiến mà không giải quyết thì người dân sẽ mất dần sự tín nhiệm, tin tưởng vào lời hứa của cấp ủy, chính quyền, nên Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo các cấp ủy phải tăng cường giám sát việc thực hiện các kết luận sau tiếp xúc, đối thoại để vừa đảm bảo hiệu quả vừa nâng cao uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải ưu tiên giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở, đừng để kéo dài khiến người dân phải chờ đợi…
Tập trung xây dựng chính quyền thân thiện và nâng cao hiệu quả, tính thực chất của công tác tiếp xúc, đối thoại là 2 trong số nhiều kết quả, dấu ấn nổi bật trong công tác dân vận chính quyền của Hậu Giang những năm qua.
Công tác dân vận ở Hậu Giang đã và đang “đơm hoa, kết trái” khi nhiều người coi trọng công tác dân vận để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt. Câu chuyện người dân, chức sắc, chức việc, sư sãi ở tỉnh làm dân vận không ít và thực sự ấn tượng...
Công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được thực hiện có chất lượng là một trong những yếu tố góp phần làm “hạ nhiệt” tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn. Năm 2019, toàn tỉnh Hậu Giang tiếp nhận 419 đơn khiếu nại, giảm 134 đơn so năm 2018; 15 đơn tố cáo, giảm 5 đơn. Ngoài việc trả lời tại buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương của Hậu Giang đã niêm yết trả lời gần 23.500 (gần 100%) ý kiến, kiến nghị tại các trụ sở hành chính cấp xã, nhà văn hóa ấp, khu vực trên địa bàn.
|
(baohaugiang.com.vn)