Chủ Nhật, 24/11/2024
Điện Biên: Dân vận khéo, bền vững tình quân - dân
 
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn quản lý.


Ðảng ủy, Bộ chỉ huy đã phân công đồng chí Phó Chính ủy BÐBP tỉnh trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Ðồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng trong BÐBP tỉnh xây dựng nghị quyết lãnh đạo, phân công trách nhiệm cho cấp ủy viên phụ trách công tác vận động quần chúng; xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng khác.

Ðại tá Lê Ðức Nghĩa, Phó Chính ủy BÐBP tỉnh cho biết: Ðể xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh thì một nội dung quan trọng là xây dựng “thế trận lòng dân”. Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng nghị quyết, kế hoạch chuyên đề công tác tuyên truyền vận động nhân dân, tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ chiến sĩ bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc phát triển kinh tế gắn với tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phát hiện kịp thời những nảy sinh trong nhân dân, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các cán bộ Ban Vận động quần chúng (Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh), 37 đồng chí tăng cường xã, 60 cán bộ vận động quần chúng các đơn vị thường xuyên kiểm tra nắm tình hình, kết quả triển khai nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng. Trên cơ sở đó kịp thời phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.

Với quyết tâm, nỗ lực từ cấp ủy đến từng đảng viên, chiến sĩ, trong năm 2020 phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong BÐBP đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ANTT, tăng cường khối đoàn kết toàn dân trên địa bàn biên giới. Ðiển hình như: Nhận “đỡ đầu” 4 xã Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải (huyện Mường Nhé), cán bộ chiến sĩ BÐBP đã đóng góp 3.624 ngày công giúp dân lao động sản xuất, giúp 20 hộ thoát nghèo. Hay thông qua mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, các đơn vị BÐBP đã ủng hộ 5.400kg gạo hỗ trợ các gia đình khó khăn. Thực hiện Chương trình “Quân dân y kết hợp”, lực lượng quân y biên phòng phối hợp với ngành Y tế và chính quyền địa phương hướng dẫn người dân ăn, ở hợp vệ sinh, khám bệnh, cấp thuốc cho 2.658 lượt người, tiêm chủng mở rộng cho 1.447 lượt người; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ðặc biệt, thực hiện Kế hoạch 1024/KH-CCT, ngày 21/7/2020 của Cục Chính trị BÐBP về “tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động quần chúng khu vực biên giới đất liền phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”, các đơn vị BÐBP đã phối hợp tuyên truyền tập trung 377 buổi cho 20.094 lượt người; cấp phát 7.301 khẩu trang, 900 lọ dung dịch sát khuẩn và hướng dẫn 7.301 người dân cài đặt ứng dụng bluezone; tiếp nhận và phối hợp chuyển theo dõi cách ly tập trung 573 trường hợp nhập cảnh.

Muốn người dân vùng cao, biên giới thoát nghèo trước hết phải tập trung nâng cao dân trí để họ có kiến thức áp dụng vào lao động sản xuất. Hơn nữa khi nhận thức được nâng cao thì người dân sẽ biết được cái đúng, cái sai để không bị kẻ xấu lợi dụng. Xác định được ý nghĩa “sâu rễ bền gốc” đó, cùng với tham gia xóa mù chữ, BÐBP tỉnh tập trung giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giúp một học sinh nghèo được đến trường học tập là góp phần giúp bà con bớt đi một phần đói nghèo, lạc hậu. Do vậy, các đơn vị BÐBP tỉnh tích cực thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Năm học 2019 - 2020, BÐBP tỉnh đã hỗ trợ 77 học sinh, trong đó có 7 học sinh nước bạn Lào với tổng số tiền 462 triệu đồng. Ðồng thời duy trì tốt mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” với 26 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, con gia đình chính sách đã được các đồn biên phòng nhận nuôi, đảm bảo các điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, học tập. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ BÐBP phối hợp với các nhà trường vận động 265 lượt học sinh bỏ học trở lại trường; tham gia xây dựng, tu sửa 47 lớp học.

Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá nước ta, trong đó địa bàn biên giới là một trong những trọng điểm. Chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, dụ dỗ, lôi kéo bà con dân tộc thiểu số gây mất ổn định chính trị, ANTT. Do đó BÐBP phải sâu sát nhân dân, xây dựng và thực hiện những hoạt động, mô hình thiết thực, hiệu quả để củng cố niềm tin, thắt chặt tình quân - dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới - Ðại tá Lê Ðức Nghĩa cho biết.

Một sáng tạo được BÐBP tỉnh thực hiện hiệu quả trong thời gian qua là “Xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên giới” đã góp phần củng cố, phát huy vai trò các tổ, đội tuyên truyền văn hóa; xây dựng được 164 bản, 13.249 hộ khu vực biên giới đạt danh hiệu “bản văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các đơn vị BÐBP đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới xây dựng và phát huy các mô hình “Quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”; “Ðiểm sáng về an ninh trật tự”; “Dòng họ bình yên”... Nhờ đó nhận thức, trách nhiệm của nhân dân khu vực biên giới ngày càng được nâng cao, tích cực tham gia đấu tranh các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ðến nay BÐBP tỉnh đã vận động 100 tập thể và 3.634 hộ với 12.907 người đăng ký tự quản 395,67km đường biên giới; 98 tập thể và 3.509 hộ, 13.070 người đăng ký tự quản 146 mốc giới; xây dựng được 315 tổ với 2.188 thành viên tự quản ANTT thôn, bản.

(baodienbienphu.info.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất