Thứ Hai, 25/11/2024
Thông cáo báo chí số 6 kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong thời gian buổi sáng và nửa buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã dành thời gian nghe các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp; nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và tiến hành thảo luận trực tuyến về các báo cáo. Nội dung cụ thể như sau:

- Nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020;

- Nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020;

- Nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020;

- Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày: i) Báo cáo thẩm tra về các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020; ii) Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Tại phiên thảo luận có 21 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với nhiều nội dung của các báo cáo nêu trên. Sau thảo luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng; nhìn chung, các ý kiến đại biểu phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau:

- Về các báo cáo công tác tư pháp:

Các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản tán thành với nội dung các báo cáo. Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động chung của các cơ quan, nhưng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thực hiện các nhiệm vụ đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội; từ đó, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và thu được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó lấy lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt bảo đảm triển khai nhiều phương án, kế hoạch tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Một số loại tội phạm đã giảm so với năm 2019; đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn; đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật và tội phạm với quy mô lớn; khám phá nhanh các vụ trọng án giết người... Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, mặc dù tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng vẫn gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.

- Về Báo cáo công tác của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án:

Ða số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những kết quả được nêu trong các báo cáo trình Quốc hội. Theo đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân, công tác xét xử và công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực và nhiều chỉ tiêu tăng so với năm 2019. Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã kiểm sát cũng tăng; công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản chặt chẽ hơn; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào Tòa án kết án oan người vô tội; hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật; đã khắc phục được tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành án tồn tại nhiều năm trước đây. Công tác thi hành án dân sự xong về tiền tăng cả về giá trị và tỷ lệ thi hành so với năm 2019. Công tác thi hành án phạt tù cơ bản bảo đảm đúng pháp luật, chất lượng giáo dục, cải tạo phạm nhân tốt hơn. Tỷ lệ phạm nhân được xếp loại cải tạo khá tăng hơn so với năm 2019.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế, cụ thể như sau: i) Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án hình sự vẫn chưa khắc phục được tình trạng quá hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh. Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu. Công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án hành chính còn nhiều hạn chế, một số chỉ tiêu giảm so với năm 2019. ii) Về công tác xét xử, giải quyết vụ án của Tòa án vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chưa chính xác; một số vụ án có vi phạm trong việc thụ lý và trả lại đơn khởi kiện; còn có trường hợp áp dụng căn cứ tạm đình chỉ chưa đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. iii) Về công tác thi hành án: Tỷ lệ thi hành án xong về việc trong tổng số án có điều kiện thi hành có giảm so với năm 2019 nhưng tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án chưa được khắc phục. Tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn đạt thấp, số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Tình trạng phạm nhân bỏ trốn khỏi cơ sở giam giữ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chính quyền tại một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc thi hành án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ và một số hình phạt khác. Số người chấp hành án tại cộng đồng phạm tội mới và vi phạm nghĩa vụ bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo còn khá cao.

Về nguyên nhân của hạn chế nêu trên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những nhận định, đánh giá nêu trong các báo cáo và cho rằng năng lực một số cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn hạn chế; một số cán bộ đã vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức cán bộ, công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu đề ra các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 và các năm tiếp theo để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.

- Về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng:

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai tương đối đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm toán; công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tăng cường. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều tiến bộ… Các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhận định của Chính phủ cho rằng tình hình tham nhũng năm 2020 đang được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Qua đó tạo được sự đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm; chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng "nợ đọng" văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc thực hiện các quy định về định mức, chế độ, tiêu chuẩn; thanh toán không dùng tiền mặt; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, "nhóm lợi ích", "bảo kê" vẫn diễn ra; đã xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng gây bất bình trong xã hội. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Năm 2020 vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ việc tiêu cực ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật và lòng tin của nhân dân.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết. Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Qua thảo luận, ý kiến đại biểu phát biểu tập trung vào một số nội dung cụ thể, đó là: Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết; về nhiệm vụ, quyền hạn của HÐND, UBND TP Hồ Chí Minh; về nghiên cứu, đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động của HÐND thành phố để bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện, quyền dân chủ của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường; về tên gọi, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, UBND phường; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh; về bố cục của dự thảo Nghị quyết; thời gian thực hiện Nghị quyết; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Tại phiên thảo luận có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận vào chiều ngày 12/11/2020.

Theo Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đợt 2 Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 2 đến 17/11/2020.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi