Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu và 02 đại biểu tranh
luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu phát biểu thống nhất với Tờ trình
và Báo cáo thẩm tra. Ðể tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu
cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau: về phạm vi sửa đổi, bổ
sung của dự án Luật; về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV; về đối
tượng được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS; vấn đề phòng,
chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở
cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam; trách
nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; đối
tượng được tiếp cận thuốc kháng HIV; hỗ trợ điều trị, chăm sóc người
nhiễm HIV; thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông
tin người nhiễm HIV; nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS…
Sau thảo luận, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo,
giải trình làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan
tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Nhìn
chung, không khí thảo luận của phiên họp rất sôi nổi, thẳng thắn; hồ sơ
của dự thảo Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, chu đáo và theo đúng
quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các đại
biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác
nhau, đó là:
- Về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Ðiều
30): Ða số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định của dự thảo
Luật; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo
cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm
tra để bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền
thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính nhưng cần bảo đảm quyền bí
mật thông tin của người bị nhiễm HIV.
- Về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ
mẹ sang con (Ðiều 35): Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải
trình rất rõ ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của một số đại biểu
Quốc hội về nội dung này. Theo đó, việc quy định nội dung này như trong
dự thảo Luật sẽ thể hiện chính sách nhân văn của Ðảng và Nhà nước ta;
đồng thời, đảm bảo công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Về độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Ðiều 27):
Ðể phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay; đồng thời, bảo đảm
việc xét nghiệm sớm nhằm phát hiện, điều trị kịp thời và tăng cường công
tác phòng, ngừa lây nhiễm HIV cho người khác, đề nghị cơ quan thẩm tra,
cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo ý kiến của các
đại biểu Quốc hội để đưa ra phương án độ tuổi tối thiểu hợp lý của người
tự nguyện xét nghiệm HIV.
- Về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Ðiều 44): Ða số ý
kiến đại biểu phát biểu thống nhất không đưa quỹ này vào dự thảo Luật.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị nên giữ quỹ này vì thể hiện tính nhân văn
và quỹ này cũng đã được quy định trong Luật hiện hành.
- Về thời điểm thông qua dự án Luật: Về cơ bản các ý kiến đại biểu
phát biểu thống nhất thông qua dự thảo Luật theo quy trình một kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ quan
chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh
lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ
họp này.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu,
Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến
về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu và 03 đại biểu tranh
luận; trong đó, về cơ bản các ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo
cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH. Ðể tiếp tục
hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một
số vấn đề liên quan đến: chủ thể đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài;
về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng; về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về Giấy phép
hoạt động trong lĩnh vực của doanh nghiệp dịch vụ; về vốn chủ sở hữu; về
giới hạn số lượng chi nhánh của doanh nghiệp được thực hiện hoạt động
dịch vụ; về ký quỹ của doanh nghiệp; về quyền và nghĩa vụ của người lao
động, của doanh nghiệp dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà
nước, của các cơ quan, tổ chức liên quan; về tạo việc làm cho lao động
về nước v.v... Sau thảo luận, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội
Ðào Ngọc Dung đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các
đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại
phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng
thắn, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao, về cơ bản, các đại biểu
nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH. Ngoài
ra, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về
nhiều nội dung quan trọng, đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc
hội tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ
quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật
để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Thứ bảy, ngày 24/10/2020: Buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải
trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và
thảo luận trực tuyến về dự án Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe các nội
dung sau: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy
(sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ
(sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông đường bộ; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực
lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tờ trình và báo cáo thẩm
tra về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của
Liên hợp quốc. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị
quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.