Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh,“Dân dận kém thì việc gì
cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các
cấp ủy, chính quyền huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) luôn quan tâm, phát huy hiệu quả vai
trò của công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Là một trong 4 xã của huyện đăng ký về
đích xây dựng nông mới năm 2015, đến nay, xã Yên Thạch đạt được 15/19
tiêu chí; 4 tiêu chí còn lại gồm: Môi trường, giao thông, chợ, cơ sở vật
chất nhà văn hóa đang được xã phấn đấu hoàn thành theo tiến độ. Ông
Khổng Minh Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã
Yên Thạch cho biết: Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Yên Thạch phát huy
có hiệu quả vai trò công tác dân vận, với phương châm dựa vào sức dân
là chính, người dân là chủ thể, người dân được biết, được bàn, được làm
và được quyền hưởng thụ. Với phương châm đó, phong trào xây dựng nông
thôn mới ở Yên Thạch thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng bằng
những việc làm thiết thực như đóng góp tiền, ngày công, hiến đất. Đến
nay, toàn xã huy động nhân dân đóng góp 9,02 tỷ đồng cho xây dựng nông
thôn mới và hiến trên 4.350m2 đất, 3.400 ngày công lao động. Ngoài tự
nguyện đóng góp, nhân dân còn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng xây dựng, chỉnh
trang nhà cửa, sân vườn, công trình vệ sinh... Nhiều gia đình, cá nhân
sau khi được tuyên truyền, vận động đã ủng hộ hàng chục triệu đồng và
hiến hàng trăm m2 đất làm đường. Điển hình như gia đình ông Hà Tuấn Tú
hiến trên 100m2 đất, ủng hộ 50 triệu đồng tiền mặt; hộ gia đình ông
Nguyễn Đăng Kính hiến gần 200m2 đất thổ cư; chị Nguyễn Thị Hồng thôn
Đoàn Kết đóng góp 50 triệu đồng...
Cũng
như xã Yên Thạch, nhờ phát huy hiệu quả “Dân vận khéo”, xã Đồng Quế đến
nay đã đạt 19/19 tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Điểm, Bí thư Đảng ủy xã Đồng
Quế cho biết: Trước đây, giao thông là một trong những tiêu chí khó khăn
nhất với xã Đồng Quế, khi triển khai, nhiều hộ dân không hưởng ứng tham
gia trong việc giải phóng mặt bằng nhiều tuyến đường. Để hoàn thiện
tiêu chí đó, cũng như các tiêu chí khác, Đảng ủy, UBND xã thành lập các
Tổ dân vận khéo ở thôn và phân công cho các thành viên trong tổ tham gia
đảm nhiệm đến các hộ dân vận động, giúp họ hiểu được mục tiêu xây dựng
nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác dân vận, đến nay, trên 50,6 km đường
giao thông của xã được quy hoạch, cứng hóa, trong đó, nhân dân tham gia
đóng góp trên 2,8 tỷ đồng, hiến 27.000m2 đất và đóng góp trên 1.300
ngày công lao động.
Những năm qua,
bám sát thực tiễn từng địa phương, Ban Dân vận Huyện ủy Sông Lô tập
trung chỉ đạo, hướng dẫn Khối Dân vận xã, thị trấn, phối hợp với các tổ
chức chính trị, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và
nhân dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi, trách nhiệm trong xây dựng nông
thôn mới. Khối Dân vận xã, thị trấn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp của địa phương xây dựng, hướng dẫn cụ thể từng tiêu chí, giao nhiệm
vụ cho từng Tổ Dân vận, từng thành viên đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà
để tuyên truyền, vận động và giải thích cho nhân dân hiểu. Nhất đối với
những tiêu chí khó, vấn đề phức tạp như: Tiêu chí giao thông nông thôn,
giao thông nội đồng, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, môi trường hay
những vấn đề giải phóng mặt bằng, BHYT... Đồng chí Triệu Bùi Sự, Phó
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sông Lô cho biết: Để phát huy hiệu quả vai
trò công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, Khối Dân vận cơ sở,
Tổ Dân vận và các thành viên thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa
phương pháp tuyên truyền làm sao cho linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với
từng địa phương, đối tượng vận động xây dựng nông thôn mới; đội ngũ cán
bộ làm công tác dân vận phải luôn gần dân, sát dân để nắm bắt kịp thời
những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó, có biện pháp giúp đỡ phù
hợp. Ngoài ra, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Khối Dân vận cơ
sở, Tổ Dân vận cần phát huy vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra và dân thụ hưởng”...
Nhờ
làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt Quy chế dân chủ
ở cơ sở, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới được nâng
lên. Người dân không còn tư tưởng ỷ nại, trông chờ vào Nhà nước, tích
cực tham gia, ủng hộ, tự nguyện hiến đất, tiền của làm các công trình,
phần việc nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện huy động nhân
dân đóng góp được trên 230 tỷ đồng, 128.108m2 đất và 49.000 ngày công
làm các công trình phúc lợi thôn, xã; điển hình trong phong trào đó là
các xã: Đồng Quế, Nhạo Sơn, Yên Thạch...Toàn huyện có trên 308 km đường
giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được bê tông hóa, nhựa hóa; và
36,44km kênh mương được cứng hóa; gần 2000 ngôi nhà được sửa chữa, nâng
cấp; gần 100% số thôn có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng.
Về
huyện Sông Lô những ngày này, đi trên những con đường bê tông trải dài,
chúng tôi nhận thấy không khí khấn khởi, vui mừng của người dân đang
thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. Chị Nguyễn Thị Nam, thôn Thanh Tú, xã
Đồng Quế cho biết: Trước đây con đường vào thôn phải mất hơn 1km lầy
lội, gây khó khăn cho người dân. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn
mới, có đường bê tông mới, việc đi lại, sản xuất của người dân thuận lợi
hơn. Chị Trần Thị Huệ, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên chia sẻ: Có đường,
có trường học khang trang, bọn trẻ trong thôn không phải vất vả nữa. Nếu
ngày trước, đi học bọn trẻ phải chịu cảnh đường trơn, bẩn, trường xuống
cấp nhưng, từ ngày xây dựng nông thôn mới các tuyến đường bê tông từ
thôn đến trường đã sạch sẽ thuận lợi hơn. Người dân mỗi khi muốn đi khám
bệnh cũng không cần phải xuống huyện, mà chỉ cần đến ngay trạm y tế xã.
Nhờ
phát huy hiệu quả vai trò công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới
đến nay, đời sống người dân huyện Sông Lô đã được nâng lên, KT-XH ngày
càng phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ
vững.
Nguồn: baovinhphuc.com.vn/Thanh Tuyền, ngày 6/7/2015