Người dân “chấm điểm” về dịch vụ hành chính công
Chiều
06-7 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội
vụ, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức lễ ký kết chương
trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ
chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 trên 6
lĩnh vực. Trong đó, có 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện là: Cấp giấy
chứng minh nhân dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy
phép xây dựng nhà ở; 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp xã là: Cấp giấy đăng ký
kết hôn, cấp giấy khai sinh và chứng thực.
Cụ
thể, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức triển
khai việc điều tra xã hội để xác định chỉ số hài lòng của người dân tại
10/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chọn ngẫu nhiên 7 tỉnh đại diện cho 7
vùng theo quy định của Chính phủ và 3 thành phố trực thuộc Trung ương là
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tại
10 tỉnh, thành phố này, sẽ thực hiện điều tra tại 36 huyện và 108 xã.
Đối tượng điều tra sẽ được chọn ngẫu nhiên, dựa trên cơ sở danh sách
người dân sử dụng dịch vụ trong năm 2014 và các tháng đầu năm 2015 được
lưu tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, sẽ có hơn 15.000
người dân tại 10 tỉnh, thành phố thực hiện “chấm điểm” về dịch vụ hành
chính công.
Trong
tháng 7 và 8-2015, sẽ chọn và lập danh sách đối tượng điều tra xã hội
học và lập danh sách điều tra viên ở các địa phương; tổ chức hội nghị
triển khai kế hoạch xác định chỉ số, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ điều
tra viên; triển khai điều tra xã hội học. Đến tháng 10-2015, sẽ tổ chức
hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành
chính nhà nước năm 2015.
Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
khẳng định, việc ký kết chương trình phối hợp là việc làm mới, gắn với
hoạt động tổ chức nhà nước chuyên ngành của Bộ Nội vụ và hai cơ quan là
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và Hội Cựu chiến binh với
tinh thần chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để thực hiện hoạt động.
Theo
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, thông qua chương trình phối hợp
sẽ góp phần tạo kênh thông tin đến người dân và các cơ quan hành chính
nhà nước, tạo sự lan tỏa nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh
bạch, dân chủ, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Chung kết Cuộc thi tìm hiểu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Ngày
30-6-2015, Bộ Nội vụ tổ chức Chung kết Cuộc thi tìm hiểu Chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với 07 đội thi
đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Đây là các đội thi đã đạt kết
quả cao từ vòng Sơ khảo.
Phát
biểu khai mạc Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh,
việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính đến đội ngũ công
chức, viên chức đã góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của
Bộ Nội vụ ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt
hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Với vai trò thường trực cải cách hành
chính của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn phấn đấu đi đầu,
gương mẫu trong thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình. Thông
qua Cuộc thi, nhận thức về cải cách hành chính của cán bộ, công chức,
viên chức được nâng cao; từ đó, thống nhất về hành động để “chung tay”
thực hiện cải cách hành chính. Đây cũng là điều kiện, cơ hội tốt để các
đội thi nâng cao sự hiểu biết, rèn luyện kỹ năng hoạt động công vụ theo
tinh thần cải cách hành chính; rèn luyện khả năng thuyết trình, khả năng
tuyên truyền, vận động; khả năng hợp tác, làm việc theo nhóm; là dịp
thể hiện năng khiếu, sở trường của từng cá nhân và tập thể; là dịp tăng
cường giao lưu, trao đổi.
Với
04 phần thi: Giới thiệu, Kiến thức, Thuyết trình và Năng khiếu 07 đội
thi đã cho thấy sự am hiểu về Chương trình tổng thể cải cách hành chính
nhà nước giai đoạn 2011-2020; sự sáng tạo trong cách thể hiện các phần
thi; đồng thời thể hiện tinh thần thi đấu nghiêm túc, hết mình. Tổng
điểm 04 phần thi là 100 điểm tương đương với 04 phần thi là 20/30/30/20.
Đội Học viện Hành chính Quốc gia đạt giải đặc biệt với tổng số điểm
97,75.
Còn nhiều sơ suất trong việc niêm yết công khai thủ tục hành chính
Ngày
09-7-2015, đoàn kiểm tra công vụ liên ngành của TP. Hà Nội do ông Ngô
Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra đột
xuất công tác cải cách hành chính tại UBND xã Văn Bình, huyện Thường
Tín và UBND xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Tại
xã Văn Bình, huyện Thường Tín, đoàn kiểm tra ghi nhận cán bộ làm việc
tại Bộ phận một cửa có mặt đầy đủ tại vị trí trực, đeo thẻ công chức đầy
đủ. Đơn vị này đã bố trí địa điểm khang trang, lịch sự cho việc nhận,
trả hồ sơ hành chính, đã ban hành các văn bản phục vụ cho việc tổ chức
và hoạt động của Bộ phận một cửa. Việc công khai danh mục thủ tục hành
chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được in trên bảng biểu và đóng
thành quyển.
Tại
xã Liên Ninh, khi đoàn kiểm tra đến làm việc, công chức Bộ phận một cửa
không đeo thẻ, bộ phận này được bố trí cùng với Văn phòng UBND xã,
không niêm yết công khai đầy đủ các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết,
đồng thời, nội dung nhiều thủ tục được công khai cũng không cập nhật
căn cứ pháp lý hiện hành. Việc ghi chép sổ nhật ký không đầy đủ, thiếu
khoa học (trừ lĩnh vực tư pháp hộ tịch). Phòng tiếp công dân không có
nội qui tiếp dân, không có lịch tiếp dân và cũng chưa công khai bộ thủ
tục liên quan đến tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố
cáo… Khi bàn giao hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở với Văn
phòng đăng ký nhà đất huyện Thanh Trì, UBND xã Liên Ninh không có sổ
theo dõi, không cập nhật số liệu cấp giấy chứng nhận vào sổ đăng ký biến
động và phần mềm chuyên ngành địa chính, không có phiếu hẹn trả cho
công dân. Trưởng đoàn kiểm tra Ngô Anh Tuấn đã ghi nhận những kết quả
đạt và đề nghị hai đơn vị này tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đoàn kiểm
tra, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót.
Tiếp nhận phản ảnh của người dân qua trang web
Các
cơ quan chức năng phải công khai họ, tên, chức vụ, số điện thoại, địa
chỉ email của người phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành
chính. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chuyên mục tiếp nhận phản
ảnh, kiến nghị của người dân trên trang web của UBND Thành phố và của
các cơ quan, đơn vị. Đó là những nội dung của kế hoạch truyền thông hỗ
trợ công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
năm 2015-2016 do UBND Thành phố vừa ban hành.
Hoạt
động trên nhằm phát huy quyền giám sát của người dân, doanh nghiệp đối
với hoạt động cải cách hành chính của cơ quan nhà nước, cán bộ, công
chức trên địa bàn Thành phố.
Hà Tĩnh: Cải cách hành chính - Động lực phát triển nhanh và bền vững
Những
năm qua, Hà Tĩnh đã giành được nhiều kết quả toàn diện trong phát triển
kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những yếu tố dẫn
tới thành công đó là nhờ những đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách
hành chính.
Với
những bước đi táo bạo trong việc thay đổi cách quản lý, cơ chế quản
trị, cơ chế sử dụng, sở hữu, những năm qua, Hà Tĩnh đã xây dựng được môi
trường tốt, tạo động lực phát triển, đặc biệt là trong cải cách thể chế
kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách mới ra đời. Bằng các hệ thống văn
bản về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh giai
đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020, nổi bật là Quyết định số
07/2012/QĐ-UBND, ngày 21-3-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định
một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn đã đưa Hà Tĩnh trở
thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến
nay đã có hơn 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại các khu kinh
tế, khu công nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD; trong đó,
có nhiều dự án trọng điểm quốc gia như khu liên hợp gang thép và cảng
nước sâu Sơn Dương - Formosa, Tổng kho xăng dầu dầu khí Vũng Áng, cảng
Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1... Các dự án đi vào hoạt động đã
giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Bên
cạnh kết quả đạt được thì cải cách thể chế trong thời gian qua vẫn tồn
tại một số hạn chế, đặc biệt là có một số văn bản, quyết định ban hành
trái thẩm quyền hoặc chưa phù hợp, có sai sót, nhất là tại các huyện,
xã. Qua kiểm tra 4.315 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện, xã ban hành, đã
phát hiện 19 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành, 310 văn bản
sai về thể thức, kỹ thuật trình bày và 81 văn bản không phải là văn bản
quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả
kiểm tra, đã kịp thời kiến nghị HĐND, UBND cùng cấp xem xét, xử lý đối
với những văn bản trên...
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội của năm 2015 thì cải cách hành chính nói chung, cải cách thể
chế nói riêng vẫn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành.
Làm tốt công tác cải cách thể chế sẽ là động lực cho sự phát triển nhanh
và bền vững./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn/ Đức Toàn, ngày 13/7/2015