Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Điện Biên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, đồng hành cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thực hiện tốt quy định của Nhà nước về GPMB.
|
Người dân phường Him Lam có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án đường 60m kiến nghị
về chế độ, chính sách tại buổi đối thoại do TP. Điện Biên Phủ tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua
|
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động GPMB để triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Như công tác quản lý đất đai của chính quyền trải qua nhiều thời kỳ thiếu chặt chẽ, việc xác định nguồn gốc đất khó khăn; chính sách, pháp luật liên quan đến GPMB không đồng bộ, thường xuyên thay đổi; một số chính sách khi áp dụng vào thực tế của tỉnh gặp khó khăn. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, GPMB hiện nay mới tập trung chủ yếu vào các biện pháp hành chính và tác nghiệp chuyên môn (kiểm kê, áp giá); chưa coi trọng đúng mức công tác vận động, tuyên truyền của các cấp chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội nên chưa tạo được sự đồng thuận của đông đảo người dân, nhất là những hộ dân liên quan trực tiếp đến dự án. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành; đặc biệt là công tác dân vận trong giai đoạn thực hiện GPMB.
Theo đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, việc thực hiện GPMB được thực hiện qua các bước cơ bản, như: thông báo thu hồi đất; tiến hành thu hồi đất; kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất; lập phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư; niêm yết công khai phương án lấy ý kiến của dân; hoàn chỉnh phương án; phê duyệt phương án chi tiết và tổ chức kiểm tra thực hiện; tổ chức chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất (tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp không chấp hành việc bàn giao đất sau khi đã vận động, tuyên truyền, thuyết phục...). Vì vậy, Tổ công tác dân vận cấp huyện phải phối hợp với ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu từ cộng đồng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện việc giám sát các cấp chính quyền và tổ chức làm nhiệm vụ GPMB thực hiện đầy đủ các bước theo nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quy trình, quy định của pháp luật đất đai về GPMB. Nắm tình hình, tâm tư của nhân dân trong việc tham gia vào quá trình đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư; kịp thời có ý kiến yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức đối thoại và giải trình những kiến nghị, thắc mắc, ý kiến chưa đồng thuận của nhân dân.
Tổ công tác dân vận cấp huyện cũng cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nơi GPMB để thực hiện công tác tuyên truyền, có giải pháp phát huy vai trò nòng cốt của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín ở khu dân cư vận động và tạo sự đồng thuận của nhân dân khi triển khai thực hiện các công trình, dự án. Đề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong dòng họ, phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”. Bố trí cán bộ, công chức đi tuyên truyền, vận động phải là người hiểu rõ, nắm chắc trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc áp dụng cơ chế chính sách, giá đất, tài sản vật kiến trúc trên đất thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có khả năng vận động, thuyết phục, thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của người dân, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ đó kịp thời tư vấn, cung cấp cho những hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất những tài liệu, căn cứ áp dụng trong quá trình thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, áp giá bồi thường tài sản, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất… để người dân tin tưởng, tự nguyện chấp hành.
Trong trường hợp có kiến nghị, khiếu nại tố cáo phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tổ công tác dân vận cần phối hợp với HĐND cùng cấp giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến dự án, công trình và công tác GPMB của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Những vụ việc mà chính quyền và các cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật trong thực hiện GPMB thì phải tăng cường tuyên truyền, vận động thuyết phục để nhân dân hiểu rõ và chấp hành chính sách pháp luật. Những vụ việc phát hiện thấy do áp dụng chưa đúng cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân thì cần kiến nghị ngay với các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo quyền, lợi ích cho người dân. Nếu có khiếu kiện đông người, có vấn đề phức tạp, xảy ra “điểm nóng” cần chủ động tham mưu ngay cho cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm nghe dân nói, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm tình hình, bàn giải pháp, có thể thành lập tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền vận động, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
(baodienbienphu.info.vn)