Thứ Tư, 1/1/2025
Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kỳ họp


Quyết tâm bảo đảm an sinh xã hội

Đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho rằng: Dịch Covid-19 đã làm cho nền kinh tế - xã hội của đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, xuyên suốt, toàn diện của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm rất lớn, rất quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nước ta bước đầu kiểm soát thành công dịch Covid-19, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, nhiều vấn đề xã hội, y tế đã được giải quyết kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, quý III/2021, tỷ lệ thất nghiệp tăng 1,38%, tỷ lệ thiếu việc làm tăng 2,41% so với quý I/2020; thu nhập, đời sống của người lao động, nhất là công nhân khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách. Nhiều khu vực trong cả nước cũng đang đối diện với nguy cơ dịch tái bùng phát ở mức độ cao hơn và những thách thức cùng lúc phải xử lý, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, tư liệu sản xuất, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 30 và các chính sách phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục ưu tiên, phân bổ ngân sách, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế chịu ảnh hưởng bởi dịch. Chính phủ ưu tiên duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm nguồn cung tiền tệ cho phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm chỉ số lạm phát trong giới hạn cho phép, khuyến khích thỏa đáng và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, hướng mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh vào nền kinh tế. Chính phủ và các địa phương sát cánh cùng doanh nghiệp để giải quyết những rào cản, nâng cao năng lực sản xuất, bù đắp sự sụt giảm sản lượng trong thời gian giãn cách xã hội...

Hỗ trợ người lao động trở lại làm việc

Tại nhiều khu vực, tình trạng chuyển dịch lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về nông thôn đang làm phát sinh nguy cơ mất cân đối về cung - cầu lao động. Để tập trung giải quyết vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn làm việc, bảo đảm an ninh trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội. Các địa phương cũng cần chủ động lên phương án hỗ trợ người lao động ở lại làm việc, trong đó, không chỉ kết nối cung - cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Dự báo tình hình năm 2022 còn tiềm ẩn nhiều phức tạp và khó khăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) và nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp nhiều đối tượng, nhất là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động phi chính thức, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế. Đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện. Cần tăng nguồn vốn, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó, hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà. 

Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% số lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang còn lan rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tránh đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Nhiều đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) và nhiều ý kiến đề nghị xã hội hóa công tác phòng, chống dịch và xem đây là giải pháp cơ bản, lâu dài để huy động sức mạnh toàn dân. Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhóm chính sách với các quy định mang tính quy phạm pháp luật, hướng dẫn thống nhất và cần sớm luật hóa các hoạt động xã hội hóa thiện nguyện, cứu trợ xã hội. Bên cạnh đó, với quan điểm chuyển từ Nhà nước là chủ đạo, chủ yếu sang nhân dân chủ động và quyết định trong cuộc chiến lâu dài chống dịch Covid-19, cá nhân, tổ chức cần được tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp cụ thể, có tính chuyên môn, được cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện và ràng buộc trách nhiệm pháp lý, giảm áp lực cho chính quyền và hệ thống y tế các cấp để công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang “ngấm” ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Vì vậy, tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Chính phủ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các giải pháp, các gói hỗ trợ, bởi nếu triển khai chậm sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và tương ứng với đó là nhiều việc làm sẽ mất đi.

Đại biểu NGUYỄN THỊ THỦY (Bắc Kạn)

Về vấn đề y tế cơ sở, tôi thấy cần phải có một chính sách xuyên suốt từ Chính phủ và trên cơ sở đó chỉ đạo Bộ Y tế để triển khai những nội dung công việc cụ thể. Nói đến y tế cơ sở không phải chỉ có vấn đề về kinh phí, mà rất cần quan tâm vấn đề nhân lực. Làm sao để chúng ta thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết để hoạt động tốt. Quá trình điều trị Covid-19 cho người bệnh, nếu như chúng ta phân công rạch ròi nhiệm vụ xét nghiệm để ngành bảo hiểm làm, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ, chọn giá thấp nhất thì có lẽ đã không gặp phải tình trạng loạn giá xét nghiệm.

Đại biểu PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TP Hồ Chí Minh)


(nhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất