Thứ Bảy, 11/1/2025
Thêm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
 
 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 242, Quân khu 3 tổ chức đắp đập, ngăn lũ tại
phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Ảnh: Mai Chu

Dân cần là có mặt

Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở đất tại khu vực tổ 34, khu 3, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) vào sáng 30-7, chúng tôi thấy con đường duy nhất dẫn vào khu dân cư tổ 34 đã bị đất, đá sạt xuống với khối lượng lớn khiến toàn bộ các hộ dân trong khu rơi vào tình trạng bị cô lập. Ngay khi nhận được yêu cầu giúp đỡ của nhân dân, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh và Sư đoàn 395 (Quân khu 3) đã nhanh chóng có mặt, dùng búa đập vỡ tường rào quanh các ngôi nhà để mở lối thoát cho người dân. Cùng lúc, lực lượng dân quân tại chỗ cũng có mặt vận chuyển đồ đạc của nhân dân tới vị trí an toàn. Sau hơn 2 giờ, toàn bộ hơn 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu tại khu vực này đã được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đưa đến nơi an toàn 

Anh Trần Văn Đông, người dân tổ 34, khu 3, phường Cao Xanh, xúc động: "Sau mấy ngày mưa lụt, đường đi bị sạt lở, người lớn thì phải nghỉ làm, trẻ nhỏ thì nghỉ học, ngôi nhà đang ở có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khiến gia đình nào cũng nơm nớp lo sợ. Lúc 6 giờ sáng nay, chỉ sau một tiếng "ầm" lớn, nhà tôi cùng nhiều nhà trong tổ đã bị đất đá lấp kín cửa, chúng tôi đã gọi điện để cầu cứu các cơ quan, lực lượng chức năng. Thật may, ngay sau khi điện báo cầu cứu, các chú bộ đội cùng lực lượng dân quân đã có mặt giúp chúng tôi thoát khỏi nơi nguy hiểm...".

Tại hiện trường, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Hữu Lưu, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, khi đồng chí đang chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ ứng cứu dân và được biết: Do mưa dài ngày khiến nhiều khu vực đồi, núi trên địa bàn TP Hạ Long đã ngấm nước, rất dễ sạt lở. Sáng 30-7, hơn 30 hộ dân tổ 34, khu 3, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) đã phải chịu cảnh sạt lở đất đá, rất may chưa thiệt hại về người. Nhận tin báo, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã lập tức cử lực lượng thực hiện ngay phương án cứu nạn...

Để góp phần nhanh chóng khắc phục những hậu quả nặng nề do mưa, lũ gây ra, trong ngày 30-7, tại địa bàn TP Hạ Long, Bộ CHQS tỉnh đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị: Bộ CHQS tỉnh; Sư đoàn 395 (Quân khu 3); các Lữ đoàn: 170, 126 Hải quân; Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng: Công an, dân quân trên địa bàn TP Hạ Long tiến hành nạo vét bùn, đất tại các điểm sạt lở trong khu dân cư và trên các tuyến đường. Còn tại huyện Vân Đồn, Lữ đoàn 242 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn cũng đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, cùng lực lượng DQTV hỗ trợ, cứu giúp nhân dân trong vùng ngập nặng. Đặc biệt, tại xã Bản Sen, các đơn vị quân đội trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, sử dụng nguồn thực phẩm tăng gia của đơn vị để tiếp tế cho mỗi hộ dân 20kg gạo, 2kg thịt lợn, 5kg bí xanh cùng các loại mì ăn liền, nước uống... nhằm chống đói cho dân. Trong ngày, Tổng công ty Đông Bắc cũng huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ và 50 ô tô tải, 14 máy xúc, 2 xe cẩu hỗ trợ nhân dân bốc xúc, khai thông ách tắc trên các tuyến quốc lộ, đường liên khu... 

Ứng trực trong vùng nguy hiểm

Đã gần hai ngày nay, kể từ khi lệnh huy động các lực lượng tổ chức sơ tán nhân dân và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi đập 790 có nguy cơ bị vỡ, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) và Lữ đoàn 147 Hải quân luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu cao nhất tại thực địa. Có mặt trên con đập 790 tại khu 1, phường Cửa Ông, chúng tôi không khỏi “thót tim” khi hàng vạn mét khối bùn đất, xỉ than từ các mỏ khai thác than Cọc 6, Cửa Ông đang bị dồn ứ ở độ cao hàng chục mét so với mặt bằng các khu dân cư phía chân đập. Cách chân đập không xa là hơn 300 hộ dân phường Mông Dương cùng nhiều công trình quan trọng như: Trạm biến áp 110KV của Công ty Điện lực Miền Bắc, trục Quốc lộ 18B, trường học... Do áp lực của nước mưa và lượng bùn đất rất lớn bị dồn ứ nên thân đập 790 đã bị hư hại nghiêm trọng, nhiều chỗ bị sạt lở lớn.

Thượng tá Trịnh Hồng Phong, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 242 cho biết: Từ khi mưa lũ xảy ra, đơn vị đã huy động hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ liên tục túc trực tại các vị trí xảy ra sạt lở trên địa bàn xã Bản Sen (Vân Đồn) và các phường: Mông Dương, Cửa Ông (Cẩm Phả) để tổ chức ứng cứu và giúp dân khắc phục hậu quả. Tuy phải dầm mình trong mưa rét, hoạt động cường độ cao, nhưng vì nhân dân, nên ai cũng rất cố gắng...

Để bảo đảm an toàn tài sản cho hàng trăm hộ dân thuộc các phường: Mông Dương, Cửa Ông do đã đi sơ tán, công tác bảo vệ tài sản cho nhân dân trong hai ngày qua đã được các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc. Tại hiện trường, đồng chí Đỗ Văn Can, Khu đội trưởng khu 1 (Ban CHQS phường Mông Dương) cho biết: Đã hơn hai ngày qua tôi và anh em dân quân trong phường liên tục có mặt tại hiện trường để phối hợp cùng lực lượng công an, quân đội tổ chức canh gác, bảo vệ tài sản cho bà con trong khu. Đêm 29-7, chúng tôi đã tổ chức cắt gác, duy trì chế độ trực tại những vị trí quan trọng trong các khu dân cư.

Là người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy các lực lượng tại hiện trường, Đại tá Lê Văn Long, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong ngày 30-7, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ tổ chức gia cố các khu vực xung yếu của đập 790 và đắp hàng rào bao cát để bảo vệ các công trình quan trọng trong khu vực. Chúng tôi phải cảnh giác bởi nếu đập bị vỡ thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Tất cả mọi phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trên địa bàn đều đã được thực hiện triệt để, cố gắng tạo sự an toàn cao nhất cho dân...

Vượt sóng đưa dân vào bờ

Xuất phát từ tác động của thời tiết xấu trong nhiều ngày qua, đã có hơn 1.500 khách du lịch bị mắc kẹt tại đảo Cô Tô. Do những ngày qua tàu tiếp phẩm không thể ra đảo nên hiện nay lương thực trên đảo đã có dấu hiệu bị cạn. Thêm nữa do thời gian mắc kẹt đã lâu nên các du khách đều rất muốn về bờ. Qua báo cáo của chính quyền và các lực lượng chức năng trên đảo, Quân chủng Hải quân đã điều động Tàu HQ-634 của Lữ đoàn 170 cơ động ra đảo để vận chuyển toàn bộ khách bị mắc kẹt tại đây về đất liền. Đại tá Vũ Thanh Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 170 Hải quân, chúng tôi được biết: "Ngay sau khi nhận mệnh lệnh, mặc dù điều kiện thời tiết trên biển đang có sóng to khoảng cấp 8, nhưng cán bộ, chiến sĩ của tàu đã nỗ lực cơ động tiếp cận đảo để chở khách. Do điều kiện sóng to, có thể gây nguy hiểm cho nên mặc dù sức chở của Tàu HQ-634 có thể đạt hơn 500 người nhưng để bảo đảm an toàn, chúng tôi chỉ cho phép tàu chở không quá 300 người...".

Lúc 19 giờ ngày 30-7, qua điện thoại, chúng tôi được Đại úy Lê Thanh Tuấn, Thuyền trưởng tàu HQ-634 (thuộc Lữ đoàn 170 Hải quân) cho biết, tàu đã hoàn thành chuyến vận chuyển đầu tiên được gần 300 khách du lịch từ đảo Cô Tô về Cửa Đối (Vân Đồn). Sau khi chuyển tải cho các tàu du dịch để đưa khách vào bờ, tàu HQ-634 lại tiếp tục quay trở lại Cô Tô để vận chuyển tiếp số người còn lại.

 Những ngày qua, sát cánh cùng bộ đội các đơn vị thuộc Quân khu 3, Bộ tư lệnh Hải quân, Bộ đội Biên phòng... để cứu giúp nhân dân tại Quảng Ninh, chúng tôi thấy tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, không quản hiểm nguy của cán bộ, chiến sĩ được thể hiện rất rõ. Những việc làm, những hành động của các anh đã làm cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thêm đẹp trong lòng nhân dân.

Nguồn: Qdnd.vn, ngày 30/7/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất