Thứ Tư, 1/1/2025
Thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Nông dân làm nông nghiệp, ở nông thôn thì đương nhiên họ đóng vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới trong một tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để đảm nhận vai trò chủ thể của mình.

Để tranh thủ cơ hội, đồng thời nhận diện bất cập, khắc phục khó khăn, hạn chế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện tình trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”.

 

Toàn cảnh diễn đàn sáng ngày 12/9 tại Hà Nội.


Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn năm nay chọn chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, được bình chọn từ các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả của diễn đàn hôm nay sẽ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm vào cuộc sống. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn của 10,2 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 3,6 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là các đại biểu về dự Diễn đàn.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gợi mở một số vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận:

Một là, diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể. Cụ thể: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020...

Hai là, làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp? Việc xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng, trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

Ba là, chúng ta cùng thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước.

Đề nghị nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý hãy thẳng thắn đặt vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.

Bốn là, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

(qdnd.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất