Thực hiện Chương trình phối hợp thực hiện công tác Dân vận giai đoạn
2011 - 2015 do Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh Cà Mau ký kết, những năm
qua, lực lượng công an các cấp nỗ lực xây dựng và thực hiện có hiệu quả
nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), góp
phần chuyển biến tích cực địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân
dân.
Có thể kể những mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, như: Mô hình “Giảm
tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư an toàn về ANTT” tại xã Khánh
Lâm, huyện U Minh; mô hình “Nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, tệ
nạn xã hội”, “Khu dân cư an toàn về ANTT” tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện
Phú Tân; mô hình “Nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Nhân dân tự quản về
ANTT” tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời; mô hình “Xã an toàn
về ANTT” ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn; mô hình “Quản lý giáo dục đối
tượng vi phạm pháp luật tại địa bàn dân cư gắn với xây dựng tổ nhân dân
tự quản không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại huyện U Minh; mô hình
“Chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn
Thời thành địa bàn an toàn về ANTT”; mô hình “3 giảm, 4 giữ, 5 không”
trong đảm bảo tình hình ANTT tại xã Khánh Hội, huyện U Minh… Đa phần
những mô hình “Dân vận khéo” được chỉ đạo thực hiện tại các địa bàn phức
tạp về tình hình ANTT, với mục tiêu làm chuyển biến thành địa bàn an
toàn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
|
Lực lượng công an các cấp chú trọng công tác
tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh
trật
tự địa bàn. Ảnh: Diễn tập tình huống phòng, chống trộm cắp địa bàn nông
thôn, tại xã Khánh Bình,
huyện Trần Văn Thời, vào tháng 7/2015. |
Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) - Công an tỉnh, đã phối hợp công an các
cấp tuyên truyền vận động được 2.159 cuộc có 86.360 lượt người dự, giáo
dục giúp đỡ 1.758 đối tượng vi phạm pháp luật trở thành người tốt; vận
động nhân dân xây dựng 285 cổng ANTT trên tuyến giao thông liên ấp,
khóm, khu dân cư; củng cố 214 ban bảo vệ xóm ấp, 425 tổ nhân dân tự
quản, 137 nhóm liên kết hộ gia đình về ANTT; vận động các ngành, đoàn
thể, ban nhân dân ấp xây dựng nhiều mô hình liên kết phòng chống tội
phạm. Vận động mỗi gia đình tự trang bị công cụ, phương tiện “Đèn trước
ngõ, mõ trong nhà, gậy an ninh” phục vụ cho các cuộc diễn tập ở khu dân
cư của ban nhân dân ấp, khóm. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trong
nhân dân về tự cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân, gia
đình.
Việc triển khai, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy vai
trò, trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, vai trò
nòng cốt của lực lượng công an cơ sở, vai trò quan trọng của các tầng
lớp nhân dân trong công tác quản lý đảm bảo ANTT ở địa phương; xây dựng
thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng và kiện toàn phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thượng tá Tạ Trọng Đạt, Phó Trưởng
phòng PV28, Công an tỉnh: “Tại các địa bàn đã thực hiện thành công những
mô hình “Dân vận khéo” trong đảm bảo ANTT, tình hình ANTT có bước
chuyển biến tích cực, các loại tội phạm về ANTT, tệ nạn xã hội từng bước
được kiềm chế và đẩy lùi”.
Từ kết quả đạt được, thời gian tới lực lượng công an các cấp tiếp tục
triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Giảm tội phạm, tệ nạn xã hội”,
“Khu dân cư an toàn về ANTT” và xem đây là chủ trương quan trọng, có
tính chiến lược và rất thiết thực trong xây dựng địa bàn an toàn về
ANTT. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa
phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện mô hình “Dân vận
khéo” theo hướng cụ thể, phù hợp với địa bàn cơ sở, đề cao vai trò chủ
thể của nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân.
Nguồn: baoanhdatmui.vn, ngày 14/12/2015