Thứ Bảy, 11/1/2025
“Nước lấy dân làm gốc”

Trọng dân và học dân

Tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri là Quốc hội kế thừa và phát huy truyền thống trọng dân của dân tộc ta, là cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta: “Dân là gốc”, “Nước lấy dân làm gốc”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân sẽ đến với diễn đàn Quốc hội, kết tinh vào các quyết định quan trọng của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Hiến pháp đã quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, cần làm rõ: Vấn đề nào Đảng có Nghị quyết, Quốc hội thảo luận, quán triệt, thực hiện; vấn đề nào đã có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội thể chế hóa bằng quyết định các chính sách, luật để thực hiện; vấn đề nào Đảng có định hướng, Quốc hội quyết định. Hội đồng nhân dân mỗi cấp thật sự được quyết định vấn đề gì?

Trong thực tế, cơ chế này chưa được minh định đủ rõ nên vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức trong một số quyết định của các cơ quan dân cử. Có phần làm cho một số đại biểu ít nhiều băn khoăn, lúng túng và “ngại” có chính kiến, e dè trong phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đảng cần rà soát để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội nói riêng, đối với các cơ quan dân cử nói chung. Việc chọn nhân sự để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải thật sự đổi mới. Luật Chính quyền địa phương đã ban hành, tuy nhiên cần chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu mô hình Chính quyền địa phương phù hợp với quy định của Hiến pháp “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Mối quan hệ này tạo thành sức mạnh vô địch, trường tồn cho cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là bài học thực tiễn sinh động, vô giá. Trong lãnh đạo Quốc hội, quan điểm này cần cụ thể hóa hơn, để mỗi đại biểu thấm nhuần tư tưởng, bài học này trong mối quan hệ với cử tri, trong hoạt động của đại biểu. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên là đại biểu Quốc hội phải thật sự gương mẫu gắn bó với cử tri. Trong đánh giá cán bộ đảng viên hằng năm - đối với cán bộ đảng viên là đại biểu Quốc hội, cần gắn với thực hiện nhiệm vụ đại biểu, nhất là mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri. Cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, những vấn đề đại biểu phản ánh, yêu cầu. Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần có chế tài về vấn đề này.

“Đại biểu gắn bó chặt chẽ với cử tri, có trách nhiệm với cử tri sẽ bắt mạch được hơi thở cuộc sống, góp phần làm cho các quyết định của Quốc hội hợp lòng dân...”.

Cần quyết liệt trong xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Cải cách hành chính hiệu quả hơn, xây dựng bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ nhân dân. Minh bạch, công khai thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, xóa bỏ “cơ chế xin - cho” sẽ làm lành mạnh hóa nền hành chính, góp phần quan trọng ngăn chặn được nạn tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu người dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Chữ tín với cử tri

Theo chúng tôi, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đồng thời với phát huy dân chủ trong hoạt động của Quốc hội là yêu cầu của sự đổi mới, để Quốc hội phát triển.

Thứ nhất, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, thật sự phát huy trí tuệ của đại biểu; tin dân, lắng nghe nhân dân nhiều hơn, thực chất hơn. Đại biểu cần đổi mới phương pháp hoạt động, như tại các kỳ họp, các diễn đàn của Quốc hội, cần tạo điều kiện, “môi trường” để đại biểu tranh luận nhiều hơn, thẳng thắn hơn. Để nhân dân có quyền, có điều kiện tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội. Nhân dân không chỉ thực thi pháp luật, chủ trương, chính sách, mà còn là người phản biện, sự đồng thuận hay không đồng thuận với chủ trương, chính sách, pháp luật - đó là thực tiễn, là lòng dân. Tấm gương phản chiếu này rất chân thực: nếu đại biểu, Quốc hội gạn lọc, lắng nghe chân thành sẽ phát huy được trí tuệ của nhân dân, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Vừa nâng cao trách nhiệm của đại biểu, các cơ quan chính quyền địa phương, vừa tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cử tri trong tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Đại biểu cần tăng cường gặp gỡ cử tri; mỗi đại biểu phải xếp lịch cố định hằng tháng tiếp cử tri một buổi đối với những cử tri có yêu cầu, gặp gỡ cử tri theo chuyên đề, thông báo công khai lịch tiếp xúc cử tri…

Thứ hai, đại biểu cần giữ chữ tín với cử tri. Khi ứng cử, gặp gỡ, tiếp xúc để báo cáo với cử tri về Chương trình hành động của mình, lời hứa sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri là cần thiết đối với mỗi đại biểu. Chữ “thường xuyên” này xem ra khó đo lường về “chất” và “lượng”, và còn tùy thuộc vào điều kiện, vị trí công tác của từng đại biểu. Nhưng cử tri cảm nhận “khó” gặp được người đại diện cho mình, ý kiến, nguyện vọng của mình “khó” đến được diễn đàn Quốc hội; đại biểu không đủ bản lĩnh, thiếu kiên trì, thiếu trách nhiệm khi phản ánh ý kiến, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri… là có thật.

Song mức độ, cá biệt hay phổ biến trong cảm nhận của cử tri, Quốc hội cần có cuộc khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc, khoa học để có nhận định chính xác, để phát huy vai trò của đại biểu, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong chặng đường tiếp theo.

Thứ ba, cần xem hoạt động Quốc hội là một nghề, xây dựng đạo đức nghề nghiệp và coi trọng đạo đức nghề nghiệp của đại biểu Quốc hội. Ngoài các điều luật đã dẫn ở trên, Luật còn quy định “Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri… về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”. Luật đã có, nhưng cơ chế nào để thực hiện thì chưa cụ thể, khó thực hiện. Thế nào là “phản ánh trung thực”, “cử tri giám sát đại biểu” bằng cách nào, “đại biểu chịu trách nhiệm” như thế nào trước cử tri, cơ chế nào để đo lường sự tín nhiệm của cử tri với đại biểu...

Mặt khác, cũng chưa có chế tài nào được quy định khi đại biểu không thực hiện nhiệm vụ này. Vậy phải chăng, điều đó làm cho mối quan hệ này còn hình thức, lỏng lẻo, thiếu gắn bó và còn xa mới tới được “chặt chẽ”. Tất nhiên, một phần do chưa có quy định đầy đủ của pháp luật, phần còn lại, quan trọng hơn - đó chính là cái tâm, là trách nhiệm, phương pháp hoạt động của đại biểu. Trước một vấn đề, đại biểu bảo vệ lẽ phải hay tính đến “lợi ích riêng mình, nhóm mình” tùy thuộc vào bản lĩnh, tính trung thực của đại biểu. Do vậy, việc lựa chọn người để giới thiệu ứng cử là quan trọng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn và phải thật sự yêu thích hoạt động Quốc hội.

“Trong thực tiễn, đại biểu gắn bó với cử tri còn vì chữ tín, vì lòng tự trọng, vì sự thôi thúc của niềm tin, sự kỳ vọng cử tri gửi gắm đối với đại biểu. Sự gắn bó khi đó trở nên tự giác”.

Đại biểu Quốc hội phải thật sự là một nghề, xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề đại biểu Quốc hội. Người đại biểu Quốc hội phải yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp, mới xứng đáng với sự lựa chọn của cử tri, xứng đáng làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Một thực tế khác, việc các cơ quan, tổ chức chậm giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng các kiến nghị của cử tri do đại biểu chuyển đến, nhiều đại biểu thiếu đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết, đó cũng là nguyên nhân cử tri không gắn bó với đại biểu. Thậm chí có tình trạng báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thường rất cao (trung bình hơn 80%), nhưng tại các buổi tiếp xúc cử tri, các bức xúc vẫn còn gay gắt.

Để khắc phục tình trạng đó, luật cần có chế tài, mặt khác, đại biểu cần gắn bó, giữ mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan, tổ chức, với cấp ủy, chính quyền địa phương, một mặt để có thông tin về địa phương, phối hợp tốt trong vận động nhân dân thực hiện hiến pháp, pháp luật, giải thích những vấn đề người dân chưa nắm chắc về chủ trương, chính sách, pháp luật; mặt khác đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Cử tri sẽ có niềm tin ở đại biểu, gắn bó với đại biểu.

Tư tưởng, lời dạy của Bác “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.” vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự đối với người đại biểu của dân trong tình hình mới. Đại biểu không gắn bó chặt chẽ với cử tri thì khó học được bài học này và càng khó để làm theo lời dạy và tấm gương trọn đời phục vụ nhân dân của Bác Hồ kính yêu.

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 27/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất