Hôm
chúng tôi đến, bà con dân làng đang chuẩn bị tổ chức lễ mừng đưa vào
sử dụng con đường từ thôn Tao Ôr đến thôn Tao Kó, thuộc xã Ia Rong,
huyện Chư Pưh (Gia Lai) do bộ đội Lữ đoàn 132 (Binh chủng Thông tin
liên lạc, Binh đoàn Tây Nguyên) giúp dân thi công. Gọi là “lễ” nhưng
thật ra, theo gợi ý của già làng, bà con người góp con gà, kẻ mang ché
rượu, làm bữa cơm đãi các chú bộ đội đã không quản vất vả gian nan làm
đường cho bà con đi lại dễ dàng. Ở “công trường”, các chiến sĩ đang hối
hả đổ những mét bê-tông cuối cùng để còn kịp vui với bà con. Trung tá
Lê Sỹ Tưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị đơn vị đang xắn quần trộn vữa
xi-măng cùng bộ đội làm đường, cho biết: “Với nhiệm vụ quản lý, khai
thác, điều hành hệ thống thông tin quân sự phục vụ Bộ Quốc phòng chỉ
huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chiến lược miền trung-Tây Nguyên,
ngoài việc bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, trong mọi tình huống,
Lữ đoàn 132 còn làm tốt công tác dân vận, tham gia tích cực và có hiệu
quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những năm
qua, đơn vị đã huy động hàng chục nghìn ngày công lao động góp sức cùng
cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn
và góp phần nâng cao đời sống người dân”.
Gần
450 hộ dân sống ở ba thôn Tao Ôr, Khô Roa và Tao Kó từ lâu đã mơ ước
một con đường để con em hằng ngày đi học không phải lội qua những con
suối nguy hiểm mùa mưa; hạt lúa, củ khoai, trái bắp (ngô) từ nương rẫy
đưa về cất trong nhà, không lo mưa ướt, không bị con chuột, con chồn…
ăn hại. Ước mơ là vậy, song “cái khó bó cái khôn”, bà con hiện vẫn chạy
ăn từng bữa, có gia đình còn đói giáp hạt, lấy đâu ra kinh phí… Khi
biết được nguyện vọng chính đáng của bà con, Chỉ huy đơn vị đã họp lãnh
đạo và thống nhất giúp bà con làm con đường bằng tiền trích từ lương
của CBCS và bằng công lao động của bộ đội. Con đường tuy chỉ dài hơn
500m, nhưng khi hoàn thành, đã tạo thuận lợi cho bà con được giao lưu,
buôn bán nông sản mình làm ra mà không bị ép giá; cuộc sống người dân
nhờ vậy được cải thiện. Không giấu được niềm vui, ông Rơ Man Kinh,
Trưởng thôn Tao Ôr bộc bạch: “Ia Rong là xã thuộc khu vực 3, đặc biệt
khó khăn, trong đó người dân thôn Tao Ôr, Khô Roa và Tao Kó chủ yếu là
đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai. Đường sá chưa được xây dựng nên việc
đi lại của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn. Trời nắng ráo còn đỡ,
chứ vào mùa mưa, bà con phải gùi nông sản men theo những lối mòn trơn
trượt về nhà hoặc xuống chợ. Vì vậy, khi được bộ đội Lữ đoàn 132 làm
đường này, bà con rất phấn khởi. Càng cảm động hơn khi Lữ đoàn 132 đến
thăm, tặng quà, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ gia
đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn… Bà con biết ơn bộ đội
nhiều lắm!”.
Xã
Hải Yang nằm ở phía đông của huyện Mang Yang (Gia Lai). Toàn xã có hơn
3.000 nhân khẩu, quần tụ ở bốn thôn, làng; trong đó có ba thôn người
Kinh và một làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con chung sống khá đầm
ấm và hầu hết sống bằng nghề nông. Cây trồng của bà con chủ yếu là lúa
nước, cà-phê và tiêu, đều là các loại cây cần nước tưới. Con mương thủy
lợi dài 2,5 km ở trung tâm xã có nhiệm vụ thoát nước về mùa mưa; dẫn
nước bơm từ hồ chứa vào các mương nội đồng trong mùa khô. Tuy nhiên, do
chưa được kiên cố hóa, lại qua nhiều năm sử dụng nên mương hư hỏng,
xuống cấp nặng, bờ mương xói mòn, đất cát lấp đầy lòng mương, cây cỏ mọc
dày, làm tắc nghẽn dòng chảy, gây úng lụt, ảnh hưởng rất nhiều đến sản
xuất và đời sống của bà con. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con,
chính quyền xã có kế hoạch khôi phục con mương và đề nghị được huyện
đầu tư kinh phí để kiên cố hóa một phần con mương. Song, tổ chức đào
đắp và thi công quả là việc khó với xã.
Vào
thời điểm này, Lữ đoàn Pháo binh 40 (Binh đoàn Tây Nguyên) tổ chức cho
hai tiểu đoàn 1 và 3 hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp đỡ
người dân ở xã. Quá trình tiếp xúc, biết được nguyện vọng tha thiết của
bà con, ngay sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện, chỉ huy đơn
vị đã chủ động cùng các đồng chí lãnh đạo, chính quyền xã đi khảo sát,
nắm chắc tình hình công việc, thống nhất kế hoạch động viên CBCS trong
đơn vị dành thêm thời gian giúp địa phương đào đắp và thi công mương
thủy lợi. Để hoàn thành con mương theo kế hoạch, trước tiên, đơn vị tổ
chức cho bộ đội phát tuyến cắm mốc, cùng nhân dân chia thành từng nhóm
đào đắp theo kích thước quy định. Con mương chạy trên sườn đồi, đất
cứng, lại phải lao động trong điều kiện trời nắng nóng, nhưng từ chỉ
huy đến chiến sĩ vẫn hăng say làm việc. Bằng tinh thần lao động vì nhân
dân, chỉ trong hơn hai ngày, CBCS Lữ đoàn 40 đã hoàn thành việc đào
đắp con mương thủy lợi dài 2,5 km, với khối lượng trộn 300 m3 bê-tông
và đổ gần 500 m chiều dài đoạn cuối của mương bảo đảm về kích thước và
kỹ thuật, giúp địa phương hoàn thành một công việc nan giải. Đồng chí
Phạm Văn Huy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hải Yang, người trực
tiếp tham gia chỉ đạo thi công khẳng định: “Bộ đội Đoàn 40 bằng tinh
thần lao động có kỷ luật, có kỹ thuật hết lòng vì dân đã giúp địa
phương hoàn thành con mương thủy lợi mà bấy lâu nay xã chưa làm được.
Người dân chúng tôi rất biết ơn các CBCS Lữ đoàn 40 nói riêng, những
người lính Cụ Hồ nói chung vì đã tạo thuận lợi cho địa phương phát
triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh!”.
Trao
đổi ý kiến với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Duy Quyền, Bí thư Đảng
ủy, Chính ủy Binh đoàn Tây Nguyên cho biết thêm: Đối với mỗi CBCS
Binh đoàn Tây Nguyên, những việc làm cho đồng bào Tây Nguyên, ngoài
nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, còn là sự trả nghĩa những gì mà đồng
bào đã hy sinh, đùm bọc CBCS Binh đoàn sau khi trở lại Tây Nguyên
trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đảng
ủy, Bộ Tư lệnh và từng CBCS luôn nhận thức rằng, làm tốt công tác kết
nghĩa giúp nhân dân ổn định nâng cao cuộc sống là trách nhiệm, nghĩa vụ
thiêng liêng, vừa góp phần giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn
xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Binh đoàn cũng thường xuyên phối hợp
chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương chủ động triển
khai nhiều hình thức, biện pháp trong công tác dân vận đạt hiệu quả tốt
như: Thực hiện kết nghĩa trên địa bàn đóng quân; tổ chức các tổ, đội
công tác đến các vùng trọng điểm; hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp
làm công tác dân vận, qua đó giúp địa phương xây dựng, củng cố hệ
thống chính trị và các đoàn thể tại cơ sở; giúp dân xóa đói giảm nghèo,
tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường mối quan hệ máu thịt quân
dân, tiếp tục phát huy bản chất "Bộ đội Cụ Hồ", góp phần cùng đảng bộ,
chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, xây dựng phát triển
Tây Nguyên ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững về quốc
phòng an ninh.