Thứ Bảy, 11/1/2025
Sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
 
Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ và
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. (Ảnh: KT)


Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) khẳng định, quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, nổi bật là việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2014, cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 6 triệu lao động, trong đó có khoảng 70% là lao động độ tuổi thanh niên, vượt chỉ tiêu Chiến lược đề ra.

Chính sách hỗ trợ đưa thanh niên đi lao động ở nước ngoài cũng đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho thanh niên. Hiện nay, lao động Việt Nam đã có mặt tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm nghề. Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, trên 50% lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo nghề và trên 90% được giáo dục định hướng, trong đó lao động thanh niên chiếm 70%.

Công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong những năm qua cũng luôn được chú trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2014, cả nước đã tuyển sinh học nghề cho hơn 7 triệu người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả nước đến hết năm 2014 đạt 49%. Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề cho người học, giáo dục ý thức vệ sinh, an toàn lao động, ý thức tác phong công nghiệp... Đặc biệt, một số địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất chú trọng công tác đào tạo những ngành nghề trọng điểm, phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Một trong những kết quả khác được ông Vũ Đăng Minh đề cập đến là phát hiện, tuyển chọn, bố trí và sử dụng có hiệu quả tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực tạo bước chuyển biến có tính đột phá trong công tác cán bộ. Trong đó, nhiều địa phương đã xây dựng chính sách thí điểm thu hút, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng tài năng trẻ như: TP Hà Nội thí điểm tuyển chọn 500 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2014; thành phố Cần Thơ thu hút được 26 thanh niên có trình độ đại học về công tác tại các đơn vị cấp xã trên địa bàn thành phố; tỉnh Bến Tre thí điểm biệt phái 21 công chức trẻ ở cấp tỉnh, huyện về giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã...

Mặt khác, để tạo điều kiện cho thanh niên là công chức, viên chức được tham gia nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã giao cho thanh niên đảm nhận, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... Những công trình nghiên cứu, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo có giá trị của thanh niên được các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức kinh tế bảo hộ bản quyền, hỗ trợ quảng bố, áp dụng vào thực tiễn và xây dựng các giải pháp chuyển giao tiến bộ, khoa học, kỹ thuật góp phần thúc đẩy phát triển khao học, công nghệ và chuyển giao công nghệ vào cuộc sống.

Tuy vậy, theo ông Vũ Đăng Minh, việc thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là một số bộ, ngành và địa phương chưa quyết liệt trong triển khai Nghị quyết số 45/NQ-CP. Việc xây dựng các chỉ tiêu phát triển thanh niên chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển thanh niên và điều kiện thực tế ở từng, bộ ngành và địa phương nên tính khả thi chưa cao, các giải pháp thực hiện còn thiếu cụ thể. Việc bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án về thanh niên và phát triển thanh niên còn hạn chế, chủ yếu được lồng ghép vào các nhiệm vụ công tác khác... 

Tại Hội nghị, đồng tình với những kết quả đã được và những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được ông Vũ Đăng Minh phân tích, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, dự án về thanh niên; đầu tư nguồn lực quốc gia để xây dựng các chương trình, đề án, dự án nhằm mục tiêu chăm lo, phát triển thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thanh niên phù hợp với thực tiễn tình hình thanh niên và công tác quản lý nhà nước về thanh niên hiện nay.../.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 15/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất