Thứ Sáu, 29/11/2024
Lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng bền vững

 Lãi suất ổn định, tỷ lệ nợ xấu giảm

Theo NHNN, mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD trong điều kiện lạm phát có xu hướng tăng nhanh. Đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so với cuối năm 2015. Thanh khoản của TCTD tiếp tục được đảm bảo và có dư thừa, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm trước.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Hiện nay, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/ năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng; 5,4-6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%.

Cùng với đó, tỷ giá trung tâm diễn biến linh hoạt theo cả 2 chiều tăng và giảm. Tỷ giá trung tâm đến ngày 29/7 ở mức 21.862 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá diễn biến tương đối ổn định. Ngày 24/6, mặc dù thị trường tài chính thế giới biến động mạnh do sự kiện Brexit nhưng tỷ giá USD/VND chỉ tăng nhẹ do tác động tâm lý.

Về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng bền vững

NHNN cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cũng là một điểm sáng của hoạt động ngân hàng trong tháng vừa qua. Tính đến ngày 29/7, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực được triển khai có hiệu quả bằng nguồn lực của NHNN, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chưa bao gồm dư nợ của ngân hàng xã hội và ngân hàng phát triển, đến cuối tháng 7 đạt 900.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm, cho vay xuất khẩu tăng trên 3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,3%...

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, xem xét cho vay mới cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Đồng thời, yêu cầu 4 ngân hàng thương mại nhà nước cho vay thu mua, tạm trữ hải sản khai thác tại vùng biển an toàn nhằm tiêu thụ thủy, hải sản đánh bắt cho ngư dân.

Với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 đạt khoảng 18-20%, NHNN đã thông báo cho từng TCTD để thực hiện, đồng thời theo dõi sát diễn biến tín dụng để có biện pháp xử lý phù hợp. NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.

Ngọc Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất