Sơ kết công tác cải cách hành chính
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách hành chính ngày 17/8, Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hành chính thời gian qua đã đạt một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, bộ máy còn cồng kềnh, thể chế còn phức tạp. Bệnh quan liêu chưa giải quyết được. Cán bộ công chức, viên chức đông nhưng chưa mạnh, chưa hết lòng phục vụ nhân dân. Còn có tình trạng xin cho, nhiều trường hợp nhũng nhiễu dân, nhất là những cấp liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
“Cải cách hành chính thời gian tới là nhiệm vụ nặng nề để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ nói riêng và cả bộ máy hành chính nhà nước nói chung cần phải quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Công việc này không dễ dàng, vì bản chất là thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức của từng cá nhân trong bộ máy công quyền”, Thủ tướng nêu rõ.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng đầu tiên là giải pháp về con người. Phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm để chọn người tài, có phẩm chất đạo đức. Đi liền với đó là thực thi nghiêm túc việc tinh giản biên chế, gắn với cải cách tiền lương, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Cần thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, mọi cơ chế, mọi chính sách được ban hành và thực hiện đều lấy sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp làm mục đích tối thượng. Phải chấp nhận khó khăn về phía Nhà nước, về phía cán bộ quản lý, đồng thời phải tạo được thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương cần thực hiện đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách, mọi việc làm của cán bộ, công chức đều phải vì lợi ích của nhân dân, không để lợi ích nhóm chi phối. Chính phủ phải quản lý bằng pháp luật, bản thân Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đây là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bất cứ cán bộ, công chức nào đều phải nghiêm túc thực hiện pháp luật, phải thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Mọi việc làm phải công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi có sai phạm dù cấp nào cũng phải xử lý nghiêm. Thủ tướng cũng yêu cầu phải khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử.
Thủ tướng nhấn mạnh những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Tổ chức bộ máy cần phải gọn nhẹ, hiệu quả hơn, qua đó, giúp tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách. Làm rõ thẩm quyền từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thủ tướng cũng lưu ý bộ máy chính quyền phục vụ phải quan tâm tới cả những việc nhỏ nhưng thiết thực cho dân.
Cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả việc giảm thanh tra, kiểm tra đột xuất. Chỉ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, cần gương mẫu, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hình thức; Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phải có chương trình hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm và đặc biệt xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt.
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân
Ngày 16-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo kiểm điểm kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, triển khai Đề án, đến ngày 30/6, đã có 128.440 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân. Đã có hơn 3,3 triệu công dân tại 16 tỉnh, thành phố được cấp mã số định danh cá nhân.
Việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo Đề án 896 đã cơ bản hoàn thành. Trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục, chiếm 58,2%, trong đó đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.
Các thành phần hồ sơ liên quan đến thông tin cá nhân được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa phổ biến là bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch.
Nhấn mạnh việc rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân là công tác rất quan trọng của Đề án nhằm loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa trình tự và giảm thời hạn giải quyết thủ tục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thành kết quả rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp. Các bộ, ngành cần lấy ý kiến các chuyên gia, các địa phương, hoàn thiện phương án đơn giản hóa của bộ, ngành mình trong quý III-2016.
Quảng Ninh: Lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ
Trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 10/8/2016, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm mục tiêu phục vụ của các cơ quan. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực dễ xảy vi phạm gây ra tác động xấu đến môi trường và an toàn, trật tự xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ.
Quảng Ninh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương gắn với việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết việc triển khai hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp huyện và giao UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về thi tuyển công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực, bình đẳng, tạo cơ hội để người giỏi vào làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh tiêu cực, vi phạm.
Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc ngày 14/7/2016 với UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thiết thực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, trình cấp có thẩm quyền đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính phục vụ hội nhập quốc tế, khởi nghiệp doanh nghiệp và trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, du lịch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng...). Xử lý dứt điểm yêu cầu giải quyết thủ tục đất đai liên quan tới quy hoạch, dự án nhà chung cư để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan theo hướng gọn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao; tạo dựng hình ảnh người công chức, viên chức Thủ đô: Liêm chính, trách nhiệm, năng động, chuyên nghiệp... Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Đắk Nông chấn chỉnh việc thực thi công vụ của công chức, viên chức
Theo đánh giá của Sở Nội vụ Đắk Nông, thời gian qua, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chưa thật sự đẩy mạnh cải tiến lề lối làm việc, buông lỏng công tác quản lý; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo cải cách hành chính chưa đầy đủ. Tình trạng một số công chức, viên chức xem nhẹ kỷ luật, kỷ cương hành chính như đi trễ, về sớm, không đeo thẻ công chức, sử dụng thời gian làm việc để giải quyết việc riêng, la cà quán xá, uống rượu bia vào buổi trưa… còn diễn ra khá phổ biến.
Tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn liên ngành nhằm kiểm tra tình hình thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nội vụ chủ trì tại UBND thị xã Gia Nghĩa, UBND huyện Đắk G’Long và các xã, phường thuộc thị xã Gia Nghĩa cho thấy nhiều công chức, viên chức đến cơ quan làm việc muộn hơn so với giờ quy định, không đeo bảng tên trong khi làm nhiệm vụ và vắng mặt trong giờ hành chính không có lý do chính đáng. Tại một số điểm ăn sáng, uống cà phê trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long, một số cán bộ, công chức, viên chức buổi sáng uống cà phê, ăn sáng trễ giờ làm việc.
Đặc biệt, vào khoảng thời gian từ 14h đến 16h chiều thứ 6 hàng tuần (chưa hết giờ làm việc) nhưng có nhiều xe công vụ (xe biển xanh) của các sở, ngành, đơn vị chở công chức, viên chức từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) về tỉnh Đắk Lắk nghỉ cuối tuần.
Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính luôn là chủ đề được nhắc tới nhiều trong các cuộc giao ban của UBND tỉnh Đắk Nông trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Đức Nguyên, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị vi phạm báo cáo giải trình. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo cơ quan, đơn vị vi phạm phải nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm không để tái phạm xảy ra. Nếu tái phạm phải xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị có công chức, viên chức vi phạm.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tiên phong, gương mẫu trong công việc, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương lãnh đạo, quản lý điều hành; lấy việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công tác làm căn cứ để phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 22/8/2016