Thứ Bảy, 11/1/2025
Hiệu quả công tác dân vận từ một dự án ở Lộc Ninh (Bình Phước)

GIÚP DÂN HIỂU RÕ CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG

Ngày 7/9/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1969/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế Dự án chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng Nhà máy xi măng Bình Phước. Theo đó đến cuối năm 2015, Nhà máy xi măng đã hợp đồng với BQLRPH huyện Lộc Ninh khai hoang và trồng được khoảng 10 ha tại các khoảnh 3, 5 thuộc Tiểu khu 102, ấp Bù Núi A, xã Lộc Tấn. Năm 2016, BQLRPH Lộc Ninh tiếp tục trồng 90 ha còn lại thì có 45 hộ đồng bào DTTS đứng ra cản trở, xâm canh, lấn chiếm đất với diện tích 62,44 ha. Đa số diện tích bị lấn chiếm các hộ tỉa lúa, trồng điều, dựng chòi tạm. Tình hình an ninh trật tự tại đây tiếp tục diễn biến phức tạp, có thời điểm khoảng 70 phụ nữ đồng bào DTTS tập trung cản trở không cho công nhân trồng rừng. Một số hộ tỉa lúa, thậm chí nhổ bỏ cây giống (393 cây keo lai) do BQLRPH Lộc Ninh đã trồng trước đó. BQLRPH Lộc Ninh phối hợp chính quyền xã Lộc Tấn đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với người dân nhưng không có kết quả, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.

 
Tuyên truyền pháp luật và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân đối với
lực lượng công an tổ chức tại xã Lộc Tấn (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Nghĩa 


Trước tình hình này, ngày 14/6/2016, Huyện ủy Lộc Ninh ban hành Quyết định số 109-QĐ/HU thành lập đoàn công tác vận động quần chúng thực hiện Dự án trồng rừng thay thế tại khoảnh 3, 5 Tiểu khu 102 thuộc lâm phần BQLRPH Lộc Ninh (gọi tắt là Đoàn công tác 109). Đoàn gồm 36 thành viên, chia thành 4 tổ: 1 tổ đối thoại với nhân dân và 3 tổ luân phiên cử người đi xuống thực địa để tuyên truyền vận động. Đoàn mời 2 người đồng bào có uy tín của ấp Bù Núi A, Bù Núi B tham gia. Những ngày đầu đi thực địa, đoàn gặp rất nhiều khó khăn do nhiều hộ dân mang lúa, mì ra trồng, xịt cỏ và nhổ cây của lâm trường. Bước đầu, các tổ và lực lượng hỗ trợ đã cương quyết nên các hộ xâm canh lần lượt ra về.

DÂN VẬN “3 CÙNG”, MỀM DẺO, LINH HOẠT

Đoàn công tác 109 đã thực hiện song song 2 nhiệm vụ: Thứ nhất, tổ thực địa vừa tuyên truyền vận động nhân dân vừa đề nghị BQLRPH Lộc Ninh nhanh chóng trồng kín diện tích đất đã quy hoạch. Thứ hai, các tổ đối thoại làm tốt nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đề xuất Huyện ủy, UBND huyện tạo điều kiện hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để người dân yên tâm sản xuất. Các buổi đối thoại không chỉ tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh để chấp hành các quy định của pháp luật mà còn vận động, thuyết phục nhân dân thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhờ kiên trì thực hiện phương pháp “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) và “gần dân, sát dân, mềm dẻo, linh hoạt”, đến ngày 15/6/2016 đã có 24 hộ đồng ý ký biên bản cam kết không tái phạm việc xâm canh, lấn chiếm đất thực hiện dự án trồng rừng thay thế. Những ngày sau, các hộ còn lại lần lượt ký vào bản cam kết. Đến ngày 23/6/2016, việc trồng rừng đã xong và người dân không còn xâm canh, lấn chiếm đất tại các khoảnh 3, 5, Tiểu khu 102.

Ông Dương Ngọc Huấn, Bí thư Chi bộ ấp Bù Núi B, xã Lộc Tấn cho biết: “Ban đầu bà con cho rằng thực hiện dự án thì sẽ được đền bù nên phản ứng để đòi quyền lợi. Đoàn công tác đã tách từng nhóm để đối thoại, phân tích và đề xuất cấp trên có giải pháp thỏa đáng đối với những hộ khó khăn; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về việc phát triển và bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho một số hộ có việc làm từ dự án trồng rừng thay thế. Khi hiểu ra vấn đề, bà con đã tự giác chấp hành”. Ông Nguyễn Sỹ Quân, Phó ban Dân vận Huyện ủy Lộc Ninh nói: Xác định nhiệm vụ rất nặng nề nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch vận động, phân công cụ thể cho từng thành viên và đề nghị các thành viên tích cực, chủ động, đề xuất phương án. Bên cạnh đó, phải kiên trì đeo bám, vận động, thuyết phục người dân và giúp họ hiểu rõ mục đích của dự án. Ngoài ra, đoàn công tác đã kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến trong dân, nắm chắc và có biện pháp ngăn chặn các đối tượng xúi giục, lôi kéo nhân dân.

Từ thành công ban đầu của Dự án trồng rừng thay thế tại các khoảnh 3, 5, Tiểu khu 102 thuộc lâm phần BQLRPH Lộc Ninh cho thấy, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần dân, giúp dân hiểu rõ và chấp hành thực hiện tốt. Trong thực hiện dân vận phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Đồng thời cán bộ làm dân vận cần mềm dẻo, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, người có uy tín nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 27/10/2016

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất