Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23/10/2016

Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Đánh giá kết quả cải cách hành chính, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, trong năm 2016 đã xây dựng, trình Quốc hội 20 dự án Luật, Pháp lệnh; ban hành 103 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản. Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới quy chế làm việc; ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đã ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, Nghị định khung và quyết tâm hoàn thành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong năm 2016. Thành lập và phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; hình thành cơ chế thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các ngành, các cấp.

Báo cáo cũng nhận định: Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ. Một số quy định pháp luật còn sai sót, chưa bảo đảm tính khả thi. Tổ chức thực hiện và thi hành chính sách, pháp luật còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc xây dựng Chính phủ điện tử chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa thật sự mạnh mẽ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

Về phương hướng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, không để nợ đọng. Tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, tăng cường công khai, minh bạch, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính tập trung tại những địa phương có đủ điều kiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Hình thành cơ chế tương tác giữa Chính phủ, các ngành, các cấp với doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử. Hoàn thiện, đổi mới quy chế làm việc, phân công rõ nhiệm vụ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đổi mới công tác quản lý và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; đối với hệ thống hành chính nhà nước sẽ giảm 1,5% (tương ứng với 3.868 người) trong tổng biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phê duyệt biên chế công chức năm 2017

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 268.084; trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 109.146 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 157.853 biên chế; các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 1.000.

Quyết định cũng phê duyệt, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức quy định ở trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Thanh tra việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương

Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương về sự việc báo chí phản ánh việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan.

Công văn nêu rõ: Ngày 17/10/2016, Báo Nhân dân có bài viết “Chuyện như đùa ở Hải Dương” thông tin, phản ánh việc tuyển dụng lao động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức diễn ra một cách tràn lan thời gian vừa qua tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương về sự việc báo nêu. Nếu đúng như báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/11/2016.

Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính thay ông Trương Chí Trung; ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương thay bà Hồ Thị Kim Thoa; ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thay ông Kiều Đình Thụ.

Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Quyết định quy định việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện phải đảm bảo các yêu cầu: 1- Bảo đảm chất lượng dịch vụ: An toàn, ổn định, tin cậy, chính xác, thường xuyên, kịp thời trong việc thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; 2- Tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân; 3- Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính; 4- Bảo đảm vai trò của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; sự phối hợp giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích với tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; 5- Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng dịch vụ chuyển phát của cơ quan nhà nước; được hưởng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với loại hình dịch vụ bưu chính công ích.

Theo Quyết định, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích: 1- Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; 2- Nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; 3- Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Quyết định quy định việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Cơ quan có thẩm quyền bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích chuyển đến. Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển ngay hồ sơ đến người có thẩm quyền của cơ quan đó để giải quyết. Việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định.

Khi hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính, cơ quan có thẩm quyền đăng tải công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo (bằng tin nhắn, thư điện tử hoặc hình thức khác) đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân. Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 24/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất