Thứ Bảy, 11/1/2025
Làm rõ nguyên nhân khiếu nại, tố cáo từ việc thu hồi đất tái định cư

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan cần làm rõ bài học kinh nghiệm, kiểm nghiệm các cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là các giải pháp nêu trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vấn đề này để có biện pháp bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo là phải thực hiện dứt điểm chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị trên cơ sở đánh giá toàn diện các giải pháp đang triển khai, cần xây dựng những giải pháp mang tính đột phá để ổn định tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, làm giảm vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc căng thẳng, vượt cấp lên Trung ương, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. 

 Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Báo cáo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2012 - 2015 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho rằng, có xu hướng giảm so với trước. Theo đó, trong giai đoạn này, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, giảm 4,3% so với giai đoạn trước. Số vụ việc là trên 778.700 vụ, nhưng số đoàn đông người lại có xu hướng gia tăng so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, phần lớn các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp là những vụ việc khởi nguồn từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều trường hợp đã được các cấp giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài. Tính chất của các vụ việc khiếu nại, tố cáo tương phức tạp, bức xúc chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội…

Theo Thanh Tra Chính phủ, pháp luật đất đai tuy hoàn thiện hơn, nhưng trong một số trường hợp chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; một số chính sách đất đai còn bất cập. Do đó, lượng đơn thư về vấn đề thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng không giảm so với trước thời điểm luật đất đai 2013 có hiệu lực. Bên cạnh đó công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có một số hạn chế nhất định. Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Cá biết có một số trường hợp có thái độ không đúng, thiếu khách quan công tâm trong thực thi công vụ.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 4 năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm về số lượt, số đơn, nhưng lại tăng số vụ đông người. trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đây là vấn đề cần làm rõ để có hướng giải quyết kịp thời. 

Nhận diện có đến 70% khiếu nại hành chính liên quan đến vấn đề đất đai, trong đó có 40% là thu hồi đất tái định cư, Thủ tướng đặt vấn đề, như vậy liệu thu hồi đất tái định cư có phải là vấn đề mấu chốt của khiếu kiện đông người hiện nay hay không? Từ đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết vấn đề này.

“Luật Đất đai năm 2013 quyết định thu hồi đất, trình tự thu hồi đất là có giảm hơn. Nhưng khiếu nại nhiều về giá đền bù, chúng ta vẫn giữ giá cũ, không đảm bảo tái định cư và cuộc sống tối thiểu. Tái định cư phải đảm bảo cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Chúng ta có thực hiện và nhận thức được vấn đề này không” ?, -Thủ tướng nêu câu hỏi.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương, việc khiếu nại, tố cáo về đất đai còn nhiều có nguyên nhân từ việc thu hồi đất không đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và chưa minh bạch, công bằng.

Tại hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó phải kiểm điểm, rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Trung ương về vấn đề khiếu nại tố cáo tiếp công dân ở từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương đánh giá trách nhiệm của cán bộ công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. 

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh báo cáo và ban hành thông báo để làm cơ sở chỉ đạo cụ thể hơn nữa các ngành, các cấp, đặc biệt là các địa phương theo hướng nhận thức rõ hơn, đổi mới và có cách làm hiệu quả hơn, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khiếu nại của người dân./. 

Theo TTXVN

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất