Thứ Năm, 28/11/2024
Bộ đội biên phòng Lai Châu: “4 cùng” với người dân
 
 Bộ đội Biên phòng làm đường giúp dân.

Phát huy tình quân dân cá - nước

Khu vực biên giới tỉnh Lai Châu có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 265,095km gồm 23 xã biên giới, 229 bản thuộc 4 huyện với 10 dân tộc sinh sống. Cùng với những khó khăn về kinh tế, xã hội, khu vực biên giới.

Lai Châu còn tiềm ẩn những vấn đề tác động đến ổn định chính trị, trật tự xã hội như: các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do, buôn bán người, buôn bán trái phép chất ma túy qua biên giới… Do đó, những năm qua, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn biên giới đã nỗ lực đẩy mạnh công tác dân vận và đạt được những hiệu quả tốt.

Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng với tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ dân khi tham gia lao động, sản xuất giúp dân hoặc dạy học, khám bệnh, cấp thuốc cho dân.

Cán bộ chiến sĩ Biên phòng luôn bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, đến tận bản, từng hộ dân, thực hiện “4 cùng” “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn trật tự xóm, bản, chấp hành quy chế khu vực biên giới, hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do…

Các cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã lựa chọn, giới thiệu 20 cán bộ giàu kinh nghiệm tăng cường ở 20/23 xã biên giới tham gia cấp ủy, trong đó 2 đồng chí làm Bí thư Đảng ủy xã, 18 đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã, giới thiệu 61đảng viên thuộc các Đồn đến sinh hoạt tại Đảng các chi bộ bản thuộc Đảng bộ các xã biên giới hoạt động kém hiệu quả; thường xuyên củng cố, kiện toàn các chi bộ, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, bồi dưỡng 987 quần chúng ưu tú giới thiệu phát triển đảng viên, trong đó 652 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, củng cố 143 tổ chức chính trị xã hội.

Đại úy Triệu Quang Hùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ) cho biết: “Phát huy tình quân dân cá - nước, chúng tôi  - những người lính quân hàm xanh luôn coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Được giao quản lý địa bàn 3 xã: Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn với 32 bản, dân tộc Mông chiếm hơn 80% dân số, đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, Đồn tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội, giúp dân lao động sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, khám chữa bệnh cho nhân dân”.

Hiệu quả công tác dân vận

Thực hiện Đề án “Bộ đội Biên phòng (BĐBP)” Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện Mường Tè quy hoạch ổn định, sắp xếp và di chuyển dân ở một số thôn bản ở vùng khó khăn đến nơi có điều kiện sản xuất tốt hơn để thành lập bản theo mô hình nông thôn mới.

Như thành lập 3 bản: Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Ka Lăng), Là Si (xã Thu Lũm). Quy hoạch sắp xếp lại 2 bản: Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ). Di chuyển 35 hộ dân bản Phí Chi A (xã Pa Vệ Sử) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến vị trí mới an toàn.

Sắp xếp ổn định định canh, định cư dân tộc Mảng bản Hua Pảng, Nậm Nó, xã Nậm Ban (cũ) và 54 hộ đồng bào dân tộc Hà Nhì chuyển sang vị trí mới định canh, định cư ở bản Gia Tè, Mò Su (xã Mù Cả).

Việc đầu tư này giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống để an cư để lạc nghiệp. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho Nhà nước đầu tư các hạng mục công trình, phúc lợi xã hội, bà con thêm thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trong cuộc sống.

Đại tá Vũ Quang Mạo - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Để người dân mắt thấy, tai nghe và tin tưởng làm theo, BĐBP Lai Châu đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình hiệu quả.

Điển hình là mô hình HTX Đoàn Kết chăn nuôi gia súc tập trung ở bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho), tăng gia sản xuất, hướng dẫn nhân dân nuôi lợn nái sinh sản, trồng chuối thương phẩm ở xã Huổi Luông, nuôi dê sinh sản ở xã Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, giúp đồng bào La Hủ, Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm.

Mô hình nhận đỡ đầu nuôi dưỡng 60 học sinh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và 13 đồn biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động được các địa phương, nhà trường, phụ huynh ghi nhận và mong muốn được phát huy, mở rộng”.

Từ các mô hình dân vận, BĐBP Lai Châu đã làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân, nâng cao tính tự giác, tự chủ trong lao động sản xuất góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và BĐBP.

Năm 2015, thu nhập bình quân các xã biên giới tỉnh Lai Châu đạt 7,4 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,8%, tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 8,92 tiêu chí/xã (tăng 5,8 tiêu chí so với năm 2011), xã thấp nhất đạt 6 tiêu chí, xã cao nhất đạt 12 tiêu chí.

Những kết quả này có sự góp sức không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh và thêm khẳng định “các anh về bản làng thêm vui”.

Nguồn: phapluatplus.vn, ngày 07/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất