Ngày 4/10, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016; giám sát chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 cho biết: So cùng kỳ năm 2015, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm 8,6%. Năm 2016, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 29.117 trong số 37.039 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt 78,6%. Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân gần 486,8 tỷ đồng, 42 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.002 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 447 người, chuyển cơ quan điều tra tám vụ, năm đối tượng. Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện của công dân lại diễn ra rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền trung, miền nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền trung.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Báo cáo cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về nguyên nhân những yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp; khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%)... Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể hơn tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người trong thời gian qua. Ðánh giá kỹ việc thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu từ những năm trước, dự báo diễn biến tình hình trong thời gian tới để có những chủ trương, biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người. Phó Chủ tịch QH Ðỗ Bá Tỵ cho rằng, một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là tình trạng không thống nhất việc xử lý, giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ và có sự chỉ đạo thống nhất, nhất quán trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về tình trạng công dân khiếu kiện có thái độ quá khích, bức xúc, vi phạm nội quy vẫn gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhiều ý kiến đề nghị: Chính phủ đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nêu rõ, đích danh người đứng đầu các ngành, các cấp không trực tiếp tiếp công dân và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không tiếp công dân theo quy định…
Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận về Báo cáo giám sát chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Các đại biểu cho rằng, cần đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật để thúc đẩy khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Với các chính sách chưa đúng, chưa đủ, cần đề xuất bổ sung, làm rõ. Chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước về khoa học công nghệ là hết sức đúng đắn nhưng việc thực thi vẫn còn khó khăn, hạn chế. Ðoàn giám sát cần đánh giá đúng mức kết quả đạt được, những yếu kém, nguyên nhân; trách nhiệm Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ… để tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Ðồng thời, đề nghị Ðoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Báo cáo giám sát, trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 05/10/2016