Sáng 03/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4.
|
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh - Văn Bình |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do đặc điểm tình hình chuẩn bị các nội dung thảo luận nên phiên họp này của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra theo hai đợt. Đợt 1 từ ngày 3/10 đến 6/10 và đợt 2 từ ngày 17/10 đến hết sáng 18/10.
Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Thứ hai là cho ý kiến về hai dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tới là dự án Luật quy hoạch (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.
Thứ ba là cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ trong đó có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Thứ tư là cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán nhà nước.
Thứ năm là cho ý kiến về các báo cáo giám sát, cụ thể là báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11 Quốc hội thứ XIII, báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Quốc hội năm 2016, báo cáo giám sát Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ sáu là nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016.
Thứ bảy là Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề giám sát chuyên đề: Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Thứ tám là cho ý kiến về hai dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Thứ chín là phê chuẩn nhân sự Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết một số nội dung mới phát sinh trong chương trình phiên họp, gồm: thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung nội dung cho ý kiến bằng văn bản về báo cáo công tác năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước; Chính phủ và thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến cùng với nội dung về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đến nay Chính phủ đề nghị chưa trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 2, mà đợi sau khi tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí để có cơ sở đầy đủ để khi dự án Luật được trình ra Quốc hội được sửa đổi toàn diện, nghiêm túc, phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý rút dự án Luật phòng, chống tham nhũng ra khỏi chương trình phiên họp thứ 4 này.
Ngoài ra trước đề nghị của Chính phủ về việc xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với hai dự án luật là Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cho hay, hồ sơ dự án luật được Chính phủ trình quá gấp không bảo đảm thời gian theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời khó khăn trong công tác thẩm tra nội dung dự thảo luật. Vì vậy, đối với dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trong trường hợp Ủy ban Kinh tế chuẩn bị kịp và đánh giá chất lượng dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội thì sẽ bố trí để Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 06/10 và đồng thời sẽ lùi thời gian cho ý kiến đối với hai dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sang phiên họp thứ 5.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, qua xem xét sơ bộ cho thấy dự án luật này sửa đổi, bổ sung liên quan đến 12 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, do nhiều cơ quan theo dõi và chủ trì thẩm tra. Quá trình thẩm tra đối với dự án luật này đòi hỏi nhiều thời gian nên khó có thể các Ủy ban vừa thẩm tra vừa phối hợp hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các nội dung của dự thảo luật để trình xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện nay chưa đủ điều kiện để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh tại phiên họp này. Tuy nhiên, trong trường hợp các Ủy ban của Quốc hội kịp chuẩn bị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ưu tiên đưa vào thảo luận tại đợt 2 của phiên họp.
Nhấn mạnh, Phiên họp thứ 4 là phiên họp quan trọng tập trung xem xét, hoàn tất các nội dung để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, để bảo đảm chất lượng các dự án trình ra Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung đông đủ, tích cực đóng góp ý kiến để phiên họp hoàn thành tốt các nội dung đề ra.
Cũng trong phiên khai mạc, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Nguồn: quochoi.vn, ngày 03/10/2016