Ngày 15/8/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015” (Chỉ thị 22). Thực hiện Chỉ thị trên, ngày 4/10/2011, UBND tỉnh có Đề án “Xây dựng các giải pháp công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định số 470/QĐ-UBND (Quyết định 470).
|
Bộ phận một cửa liên thông Tp.Phan Rang-Tháp Chàm giải quyết thủ tục
hành chính cho người dân. Ảnh: T.Q |
Theo đồng chí Lê Đức Khai, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 22 và Quyết định 470, công tác dân vận chính quyền của các cơ quan, đơn vị đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn; vai trò, trách nhiệm và tinh thần làm chủ của nhân dân được phát huy. Các mối quan hệ xã hội trong đời sống sinh hoạt ở khu dân cư ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Nổi bật là các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong 5 năm (2011-2015), các cơ quan hành chính các cấp tiếp 8.962 lượt công dân, tiếp nhận, xử lý 4.624 đơn (4.405 khiếu nại, 291 tố cáo), đạt kết quả 96,86%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 45,7ha đất các loại; kiến nghị khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ bổ sung cho công dân 19.132 triệu đồng, 28,3ha đất các loại, minh oan 12 trường hợp và kiến nghị xử lý hành chính 23 trường hợp.
Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị đã công khai các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử, bản tin của ngành và trang web của đơn vị. Đến nay, đã có 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có mạng nội bộ (LAN); có 25 đơn vị kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước với tốc độ cao phục vụ công việc trong nội bộ cơ quan; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã kết nối Internet (đạt 100% kế hoạch đến năm 2015). Qua đó, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực; góp phần xây dựng các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, tiến tới xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại; cải thiện môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân.
Cùng với việc làm tốt công tác cải cách hành chính, việc công khai, minh bạch công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh; nhất là công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chú trọng thực hiện. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện đối thoại trực tiếp với Nhân dân, tổ chức cho Nhân dân bàn bạc, thảo luận, quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp và giám sát về xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Nhìn chung các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền. Nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành Quy chế dân chủ và quy chế công tác dân vận trong hoạt động cơ quan, đơn vị.
Qua thực hiện Chỉ thị 22 và Quyết định 470, theo đánh giá chung của UBND tỉnh, đạt được kết quả trên là do cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, đã đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho Nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc mới nảy sinh trong đời sống xã hội. Một yếu tố quan trọng khác là có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước.
Từ kinh nghiệm rút ra, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Theo đó phải gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế công tác dân vận của Đảng, cải cách hành chính, thực hiện tốt văn hóa công sở, đổi mới tác phong làm việc theo hướng dân chủ, kỷ luật, kỷ cương và luôn luôn “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn, ngày 11/10/2016