Trên tinh thần đó, chúng tôi đã tìm hiểu, khảo sát việc tiến hành CTDV ở một số cơ quan, đơn vị trong toàn quân để thấy rõ hơn nhận định nêu trên.
Nhận thức đúng, hành động tốt
Gà rừng đã gáy canh ba mà phòng làm việc của Trung tá QNCN Phan Văn Thông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh, vẫn sáng đèn. Sau tiếng gõ cửa, anh mời chúng tôi vào phòng mà trên tay vẫn cầm cây bút bi. Hỏi chuyện, tôi được biết, anh đang soạn đề cương bài nói chuyện với bà con các thôn, bản vùng biên của xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lật giở cuốn tài liệu “Học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII” dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành, anh Thông giải thích:
- Tôi soạn thành từng ý nhỏ để nói và giải thích cho bà con hiểu những nội dung cốt lõi, những điểm mới của nghị quyết. Sau khi soạn xong đề cương bài nói chuyện, tôi sẽ trao đổi với các cán bộ biên phòng của đơn vị đang tăng cường cơ sở để thống nhất lại nội dung, hình thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ
CHQS tỉnh Quảng Bình giúp các trường học trên địa bàn
huyện Quảng Trạch dọn vệ
sinh sau lũ. Ảnh: MINH TÚ |
Chuyện của anh Thông làm tôi nhớ lại ý kiến phát biểu tham luận của Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Phó chính ủy BĐBP tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp CTDV giai đoạn 2011-2016 giữa Ban Dân vận Trung ương với Tổng cục Chính trị và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2021. Theo anh Vượng, một trong những nét nổi bật thực hiện CTDV của BĐBP năm 2016 là đẩy mạnh hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, giúp dân xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2016, các đơn vị biên phòng đã giới thiệu 1.208 cán bộ thuộc các tổ, đội công tác địa bàn của các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Hoạt động của cán bộ biên phòng góp phần xóa nhiều thôn, bản trắng đảng viên, trắng chi bộ. Cùng với đó, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới cũng được các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh. Đến nay, đã có 28.845 tổ tự quản, 793.853 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, xóm, bản biên giới.
Cũng tiến hành CTDV, nhưng ở Binh đoàn 15 thì đẩy mạnh mô hình “Gắn kết hộ”. Các cặp hộ người Kinh đã hỗ trợ hộ người dân tộc thiểu số phương thức phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh; từ đó nhiều mô hình sản xuất giỏi ra đời. Binh đoàn đã thu hút được hàng nghìn lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của đơn vị, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng thôn, làng văn hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. "Đáp nghĩa" đơn vị, người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Các đơn vị thuộc Quân khu 4, Quân khu 5; Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 thì sắp xếp lịch huấn luyện hợp lý, huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thường trực và dân quân tự vệ giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lụt...
Theo các đồng chí lãnh đạo Cục Dân vận, CTDV của toàn quân trong năm 2016 đã có những bước phát triển mới cả về quy mô cũng như hình thức hoạt động. Đó thực sự là bước cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành mô hình, hoạt động thực tiễn. Bởi lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, CTDV được đề cập thành một mục riêng: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả CTDV, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”. Trên tinh thần ấy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X chỉ rõ: “Quân đội triển khai có hiệu quả nghị quyết của Trung ương và Quân ủy Trung ương về CTDV trong tình hình mới”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xác định: Thực hiện CTDV không những hoàn thành tốt chức năng đội quân công tác mà còn là một trong những nhiệm vụ chính trị của quân đội trong thời bình.
Từ nhận thức đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTDV phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ. Các đơn vị tổ chức tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt"; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương, đơn vị. Toàn quân tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, các cuộc vận động, các phong trào của Trung ương và địa phương, nhất là trên các địa bàn trọng điểm; chủ động giúp dân xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giống, vốn, tư liệu, công cụ sản xuất, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Các tổ, đội công tác tích cực hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác nông-lâm-ngư nghiệp cho nhân dân, góp phần giúp dân ổn định đời sống. Các cơ quan, đơn vị luôn là lực lượng nòng cốt giúp dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường... thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần giữ vững đoàn kết nội bộ, củng cố đoàn kết quân dân.
Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, hướng mạnh về cơ sở
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình giúp dân chăn nuôi của các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, Đại tá Dương Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh giải thích cụ thể về quá trình tuyên truyền, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật giúp các hộ nghèo trên địa bàn biên giới thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản và lợn đen giống bản địa, nuôi bò luân chuyển. Với sự vào cuộc đầy quyết tâm của Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, số lượng đàn gia súc của hộ nghèo ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Chỉ tính riêng 4 xã gồm: Minh Tân (Vị Xuyên), Pà Vầy Sủ (Xín Mần), Bản Máy, Pố Lồ (huyện Hoàng Su Phì), từ 2014 đến 2016, các hộ nghèo đã phát triển đàn gia súc từ 300 con (dê, lợn, bò) lên gần 1.000 con. Nhiều gia đình nhờ chăn nuôi đã thoát nghèo. Trong năm 2017, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các gia đình trên địa bàn 13 xã biên giới với số vốn khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Bộ CHQS tỉnh phân công cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện bám địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật, làm mẫu giúp nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng rừng, phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững, nhân rộng mô hình gia đình sản xuất, chăn nuôi giỏi...
Nhiệm vụ trọng tâm CTDV năm 2017 của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được Thượng tá Đỗ Đức Dũng, Phó chính ủy sư đoàn, cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nâng cao hơn nữa nhận thức về CTDV, từ đó xác định trách nhiệm tiến hành CTDV đúng với chức năng, nhiệm vụ, địa bàn công tác. Sư đoàn bố trí thời gian hợp lý trong năm để tổ chức các hoạt động giúp dân xây dựng nông thôn mới bảo đảm hiệu quả...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Lữ đoàn 215 (Binh chủng Tăng-Thiết giáp), Sư đoàn 365 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Lữ đoàn 126 (Quân chủng Hải quân)... hoạt động CTDV trong thời gian tới được các đơn vị tập trung giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, xây dựng nông thôn mới, tích cực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai... Nhiệm vụ trước mắt là chăm lo người có công, người nghèo đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đầm ấm, vui tươi.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Ngô Văn Bích, Cục trưởng Cục Dân vận, cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, năm 2017, CTDV trong toàn quân tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tiến hành các hoạt động xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, nhất là các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; tổ chức tốt các hoạt động thi đua xây dựng "Đơn vị dân vận tốt", phong trào "Dân vận khéo”. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung mới, hình thức mới tiến hành CTDV phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị và địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV, hoạt động của cán bộ tăng cường cơ sở. Tổ CTDV các đơn vị, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, không để trở thành “điểm nóng”. Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ dân vận, lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm, phẩm chất tốt, có trình độ nghiệp vụ bố trí làm CTDV.
Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhiệm vụ trọng tâm CTDV của toàn quân năm 2017 hướng đến thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ...
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 10/01/2017