Thứ Bảy, 11/1/2025
Ngành Tư pháp Đồng Nai đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân

Với đặc thù Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân số trên 3 triệu người, trong đó có 1 triệu công nhân lao động, tỷ lệ người có đạo chiếm gần 70% dân số, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả thực hiện. Qua đó, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, nếu năm 2013 tỉnh Đồng Nai xếp thứ 17, năm 2014 xếp thứ 4 thì năm 2015 xếp thứ 3 toàn quốc. 

Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai có chức năng là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính... Ngành Tư pháp đã tích cực tham mưu, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai, hoàn thành các nội dung đề ra, trong đó tập trung các nội dung: Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính; hoàn thành công bố Bộ thủ tục hành chính của 19 sở, ngành (hiện nay toàn tỉnh có 1.885 thủ tục hành chính trong đó cấp tỉnh là 1.412, cấp huyện là 328, cấp xã là 129 và 16 thủ tục đặc thù); kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương về đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính; kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính, các quy trình liên thông, kết quả giải quyết trực tiếp hồ sơ và trên phần mềm một cửa...

Những kết quả nổi bật

Trong năm 2016, Sở Tư pháp Đồng Nai đã kiện toàn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ổn định bộ máy tổ chức; tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành 63 văn bản quy phạm pháp luật và 24 văn bản cá biệt, thực hiện góp ý 156 dự thảo văn bản pháp luật; tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 170 văn bản quy phạm pháp luật. Là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện phần mềm quản lý hộ tịch, đến nay tỉnh đã cập nhật hơn 280.000 thông tin quản lý hộ tịch, trong đó 107.016 trường hợp đăng ký khai sinh, 46.714 đăng ký kết hôn, 71.711 trường hợp cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, 24.852 trường hợp khai tử... Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong vận hành các phần mềm chuyên ngành, tăng cường thái độ, trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân với các hình thức như: Biên soạn tài liệu hỏi - đáp; hội nghị trực tuyến, thông qua hội nghị, sinh hoạt, trên các chuyên trang, chuyên mục báo, đài và qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, tổ chức tọa đàm tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kết quả toàn tỉnh có hơn một triệu cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 99,32%. Riêng ngành Tư pháp có 101 trúng cử đại biểu HĐND các cấp trong tổng số 141 ứng cử viên là công chức ngành Tư pháp đạt 71,6% (cấp tỉnh có 02 đại biểu, cấp huyện có 05 đại biểu, cấp xã có 94 đại biểu).

Nổi bật, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Tư pháp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Giám đốc Sở Tư pháp với công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn. Qua đối thoại có trên 220 công chức Tư pháp – Hộ tịch tham dự, đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp địa phương và những vấn đề chính trị - xã hội mà công chức cơ sở đang quan tâm. Thông qua đối thoại, Giám đốc Sở Tư pháp đã lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị và trực tiếp giải đáp các khó khăn, vướng mắc của công tác tư pháp ở cơ sở, đồng thời cũng thông tin cho công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phương hướng nhiệm vụ công tác tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Song song đó, xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội góp ý cho đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở.

Nhờ vậy, tỷ lệ giải quyết trễ hạn thủ tục hành chính giảm dần, nếu năm 2013 trễ hạn là 45%, năm 2014 trễ hạn là 25%, năm 2015 là 5% và năm 2016 trễ hạn là 2%. Từ những kết quả đạt được, trong hai năm 2015 và 2016, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Tư pháp đánh giá và tặng Cờ thi đua xuất sắc. Về chỉ số cải cách hành chính, năm 2014 đứng thứ 13, năm 2015 đứng thứ 9, năm 2016 được xếp loại xuất sắc; là 1 trong 6 sở, ngành được UBND tỉnh đánh giá công vụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một số kinh nghiệm

Qua thực tiễn hoạt động có thể rút ra những kinh nghiệm bước đầu đó là:

Thứ nhất, cần tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, về thực hành công tác dân vận, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; đặt trường hợp mình là người dân đi làm thủ tục hành chính.

Thứ hai, phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nhất là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, quán triệt đến các phòng ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và các công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, quá trình thực hiện thường xuyên rà soát, cập nhật sửa đổi, bổ sung những thủ tục hành chính đã được công bố nhưng chưa chính xác hoặc mới được ban hành. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thực hành.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện niêm yết, công khai thủ tục hành chính; kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kết quả tiếp nhận, xử lý kịp thời các nội dung phản ánh, kiến nghị của người dân về hành vi hành chính của cán bộ, về quy định hành chính.

Thứ năm, phối hợp tốt với cơ quan thông tấn báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; giám sát thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quán triệt cán bộ, công chức tập trung thực hiện tốt “4 không” là không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp; không yêu cầu bổ sung thủ tục 2 lần; không hướng dẫn miệng (phải hướng dẫn bằng văn bản) và không trả kết quả trễ hẹn. Đồng thời, cán bộ, công chức phải thực hiện “3 biết” là biết cười, biết xin lỗi và biết cám ơn.

Hai là, phải xem cán bộ, công chức là trung tâm của công tác cải cách hành chính như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”, do đó phải tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp, ý thức trách nhiệm, thực hành “Dân vận khéo”, có thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung Bộ thủ tục hành chính, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện đối với việc xây dựng các kiến nghị về đơn giản hóa quy định hành chính, thủ tục hành chính.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, gửi nhận văn bản điện tử, sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là trên 98%.   

Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp,
 Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh Đồng Nai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất