Những năm gần đây, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đổi mới công tác dân vận, trong đó quan tâm hơn đến công tác dân vận của chính quyền các cấp. Sự chuyển biến này đã giúp mỗi cán bộ, công chức gắn công tác dân vận vào nhiệm vụ chuyên môn, tập trung đối với những việc khó và trọng tâm của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Thuấn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Sơn chia sẻ: Ban đã tham mưu với Ban Thường vụ tăng cường chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, các xã, thị trấn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong giải quyết công việc. Trong các cuộc giao ban giữa các khối Đảng, đoàn thể với khối chính quyền của huyện, ngoài việc đánh giá sự phối hợp, còn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết một số vụ việc phức tạp liên quan đến công tác dân vận. Khối dân vận chính quyền tập trung vận động, tuyên truyền về các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện tốt như vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để xây dựng một số công trình, dự án lớn của tỉnh, huyện; xây dựng thành công chương trình nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Công tác giải phóng mặt bằng để thi công những công trình kinh tế trọng điểm ở một số nơi gặp nhiều khó khăn, huyện đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động. Các thành viên trong tổ phối hợp với chính quyền xã, các đoàn thể theo ngành dọc đến từng hộ để làm công tác dân vận.
Ông Lê Công Nghiêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Bằng cho biết: Xã có 21 hộ dân phải giải phóng mặt bằng để thi công công trình trại bò Hồ Toản của Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản. Nhiều hộ dân ở các thôn 14, Cây Quân không đồng ý với mức tiền đền bù của công ty. Ngoài việc chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã vào cuộc, xã còn phân công công chức địa chính - xây dựng, cán bộ khuyến nông, công chức văn hóa - xã hội phối hợp chặt chẽ với các trưởng thôn có hộ dân phải giải phóng mặt bằng tuyên truyền, vận động. Đến cuối năm 2016, tất cả các hộ đã đồng thuận.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, thôn Cây Quân, một trong những hộ phải giải phóng mặt bằng cho biết, ban đầu khi chưa hiểu hết về chủ trương này, ông chưa đồng ý với mức tiền đền bù, nhưng khi được cán bộ giải thích, ông hiểu rằng nếu không hưởng ứng thì công trình sẽ khó có thể thi công, nhiều con em ở địa phương mất cơ hội có việc làm. Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thức ăn cung cấp cho công ty, tạo thu nhập cho người dân có thể không thể thành hiện thực, vì thế ông và nhiều hộ khác đã chấp thuận.
Trung Môn là một trong hai xã có kế hoạch về đích nông thôn mới trong năm nay. Nhiều chủ trương khó thực hiện như làm nhà văn hóa, kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được triển khai đúng kế hoạch nhờ có sự sâu sát của cán bộ, công chức và đóng góp của nhân dân. Ông Đặng Quang Hợp, Chủ tịch UBND xã Trung Môn cho biết: “Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 8/11 nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Một số thôn khi mới triển khai cũng gặp khó khăn vì người dân lúng túng với cách làm mới. Chúng tôi vừa phải huy động các tổ chức, đoàn thể đảm nhận mỗi người một phần việc giúp đỡ bà con vừa phải phân công nhiệm vụ cho từng thành viên UBND xã. Cán bộ, công chức phụ trách thôn nào phải chịu trách nhiệm về công tác vận động ở thôn đó”.
Lâu nay, không ít cán bộ cho rằng, công tác dân vận là của các tổ chức, đoàn thể. Nhưng như thế chưa đầy đủ, công tác dân vận phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các ý kiến của người dân. Chỉ khi mỗi cán bộ, công chức nhận thức rõ vai trò của dân vận của chính quyền mới gắn chặt công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 14/7/2017