Khi đề cập đến vai trò của quần chúng đối với Nhà nước, xã hội và lịch sử, C.Mác đã khẳng định: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân…”(1); “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(2). Đồng quan điểm với C.Mác, V.I.Lê-nin cho rằng: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được...”(3). Như vậy, những người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản đã chỉ rõ, quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; sự thành bại của cách mạng không nằm ở lực lượng, phương tiện, trang bị, vũ khí... mà được quyết định bởi sức mạnh của quần chúng nhân dân. Trong mọi cuộc cách mạng, giai cấp nào giác ngộ, tập hợp được đông đảo quần chúng, định hướng, hướng dẫn quần chúng tham gia cách mạng với đường lối khoa học, đúng đắn thì giai cấp ấy, cuộc cách mạng ấy giành được thắng lợi.
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử nhận thức về vai trò của quần chúng nhân dân, vận động quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn chống lại cường quyền, áp bức của các thế lực xâm lược ngoại bang, bảo vệ bờ cõi lãnh thổ và trị quốc, an dân, củng cố sức dân, tiềm lực, sức mạnh của đất nước, như: “Dân là gốc của nước nhà, gốc có vững thì nước mới yên” trong tư tưởng Nho giáo; “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước” trong kế sách giữ nước của Trần Hưng Đạo; “Cái gì dân muốn thì trời cũng phải thuận theo”; “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; “Lật thuyền mới biết dân như nước” của Nguyễn Trãi đúc kết trong kháng chiến chống giặc Minh...
Từ quan điểm của Mác - Lê-nin và ông cha về vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(4); “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(5). Người nhấn mạnh thêm: “Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, muốn làm cách mệnh “trước phải làm cho dân giác ngộ”, “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”(6).
Thấm nhuần những quan điểm của học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và kinh nghiệm của ông cha về phát huy vai trò của nhân dân trong dựng nước, giữ nước; trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã đặc biệt coi trọng vai trò của quần chúng và vận động, giác ngộ quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh giành, giữ chính quyền cách mạng, kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong gần một thế kỷ qua. Có thể khẳng định những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, những thành quả to lớn mà đất nước ta có được hôm nay là do quần chúng nhân dân được giác ngộ bởi sự lãnh đạo của Đảng, với sức mạnh vô địch đã tạo ra.
72 năm qua, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc quan điểm, học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kết quả, thành tích vẻ vang đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu còn nguyên giá trị cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội hôm nay. Trong đó, vận động, thuyết phục, hướng dẫn để khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết, khả năng tiềm tàng của quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng, hăng hái, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, cống hiến, hy sinh cùng với Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, chiến đấu là bài học lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong những ngày bão táp của Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước được giác ngộ, tập hợp đã bước vào cuộc chiến đấu sinh tử, cùng với Công an nhân dân Việt Nam và các lực lượng cách mạng đập tan các âm mưu, hoạt động chống phá thâm độc, nguy hiểm của các thế lực phản động câu kết với thực dân, đế quốc tiến hành; bảo vệ thành quả cách mạng trong tình thế “sống còn” của Nhà nước công nông non trẻ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng, sự dấn thân, chấp nhận hy sinh gian khổ, vì độc lập dân tộc, vì thống nhất đất nước, các tầng lớp nhân dân đã hình thành phong trào cách mạng sâu rộng ở mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực, chiến trường, mặt trận; trong đó sự giúp đỡ, đồng cam, cộng khổ của quần chúng nhân dân lại tiếp tục là nền tảng, động lực quan trọng nhất để lực lượng Công an nhân dân triển khai các biện pháp công tác, kế hoạch nghiệp vụ, các trận đánh tiến công tiêu diệt địch thắng lợi, hiệu quả, qua đó đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc.
Tổ quốc thống nhất, chiến tranh quân sự đã kết thúc, nhưng nhiều thách thức mới về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đe dọa nghiêm trọng sự vững mạnh của chế độ, thành quả cách mạng, sự yên bình, ổn định của đất nước. Vượt qua những mất mát, đau thương, khó khăn chồng chất do chiến tranh để lại, quần chúng nhân dân lại tiếp tục là chỗ dựa vững chắc nhất cho lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, cuộc chiến đấu mới không kém phần cam go, quyết liệt. Trên cơ sở của phong trào quần chúng rộng khắp, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Tây Nam, phía bắc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; chủ trì, nòng cốt trong đấu tranh làm thất bại kế hoạch hậu chiến, mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước; hoạt động của các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; thể hiện tinh thần quốc tế cao cả vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các tầng lớp nhân dân lại tiếp tục giúp đỡ Công an nhân dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nòng cốt bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Không chỉ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà những đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân cũng là chất liệu quan trọng cho lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động tham mưu với Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự. Sự chấp hành pháp luật, đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân là điều kiện tiên quyết để công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thật sự hiệu quả. Dưới sự hướng dẫn của lực lượng Công an nhân dân, quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và “thế trận lòng dân” vững chắc; trên lĩnh vực đối ngoại về an ninh, trật tự, đồng hành cùng lực lượng Công an nhân dân cũng luôn có sự quan tâm, vào cuộc, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Những đóng góp đặc biệt quan trọng đó của quần chúng nhân dân đã giúp cho lực lượng Công an nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam đã cho thấy, những đóng góp của quần chúng nhân dân ở mọi miền đất nước, thuộc các tầng lớp, trong các dân tộc đã quyết định thắng lợi của công tác công an dưới sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Để có được sự giúp đỡ to lớn, quý báu đó của quần chúng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, nhận thức đầy đủ về vai trò và sứ mệnh của quần chúng nhân dân; vận động, thuyết phục, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia vào các mặt công tác chiến đấu ngày càng tự giác, hiệu quả. Thông qua công tác, chiến đấu, trong mối quan hệ với nhân dân đã làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ bản chất cách mạng của Công an nhân dân Việt Nam là Công an của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, nhìn lại những thành quả cách mạng mà đất nước, nhân dân ta đã đạt được, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an hôm nay biết ơn sâu sắc những đóng góp, cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói riêng; càng thêm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam anh hùng, về Bác Hồ vĩ đại, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và vững tin vào thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Với tinh thần đó, công an các đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trước bối cảnh tình hình mới rất phức tạp hiện nay để trọng dân, dựa vào dân, vì nhân dân phục vụ nhiều hơn nữa; coi đây là thước đo hết sức quan trọng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, bản lĩnh, tác phong, hiệu quả công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Mọi lĩnh vực, hoạt động của công tác công an phải được thực hiện trên cơ sở của công tác dân vận, giáo dục, thuyết phục nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Trong công tác dân vận, lấy suy nghĩ, việc làm, hành động trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ làm cơ sở, nền tảng, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân để vận động, thuyết phục, hướng dẫn nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân trước âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động chống phá, phạm tội của các thế lực thù địch, các loại tội phạm. Làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào các quan hệ xã hội để hình thành ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Cán bộ, chiến sĩ công an tự mình phải làm gương cho quần chúng; phải thường xuyên, kiên trì, bền bỉ “dân vận với chính bản thân mình”, phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận dân vận của Đảng; gương mẫu, đi đầu, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, nghiêm túc “tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Vì an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”... Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần gần gũi, gắn bó với nhân dân nhiều hơn nữa, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người có quá khứ lầm lỗi, vi phạm pháp luật để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiên trì vận động, giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức vận động, tổ chức phong trào quần chúng đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, trong đó chú ý tới sự phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong công tác vận động quần chúng, cũng như gương quần chúng tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
----------------------
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.347.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.350.
(3) V.I.Lê-nin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.251.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.543.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.501-502.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.232.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 18/8/2017