|
|
Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mức kế hoạch đề ra (6,7%), cao nhất trong 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Công nghiệp xây dựng tăng 8%; trong đó chế biến, chế tạo tăng mạnh. Mặc dù gặp nhiều thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn tăng khá, xuất khẩu toàn ngành đạt 36 tỷ USD. Du lịch tăng trưởng mạnh, khách quốc tế đạt gần 13 triệu, tăng 30%. Dự trữ ngoại hối đạt 51,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 30 tỷ USD, tăng 44,2%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục gần 127 nghìn, có 26,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. So với năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc. Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Năm 2017 cũng là năm thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, được nhân dân, xã hội đồng tình.
Trong thành tựu to lớn chung đó, có đóng góp quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận. Với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo cùng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhất là trong nỗ lực củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh tổng hợp của đất nước, công tác dân vận đã đạt kết quả toàn diện:
1. Nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận được nâng lên. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Trung ương về công tác dân vận. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân đã chủ động và thực hiện công tác dân vận gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình. Công tác dân vận ở các địa bàn, đối tượng đặc thù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, đồng bào bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng hơn.
2. Các lực lượng, cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương, cơ sở đã tăng cường phối hợp, thống nhất hoạt động trong thực hiện công tác dân vận.
3. Xác định các trọng tâm, trọng điểm của công tác dân vận gắn với các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh việc học tập, làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương đã ký kết và tích cực triển khai Chương trình phối hợp công tác nhằm thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước. Công tác dân vận của hệ thống hành chính nhà nước có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ ở những nội dung sau:
- Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2017. Tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện công khai, minh bạch; tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và công dân. Chăm lo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
- Tập trung cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tính đến nay, đã cắt giảm gần 3.000 điều kiện kinh doanh và trên 5.000 thủ tục hành chính. Tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt mô hình một cửa, một cửa liên thông; phát huy vai trò Trung tâm hành chính công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
- Lắng nghe và khẩn trương xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, người dân quan tâm như liên quan đến các dự án BOT giao thông, khai thác cát trái phép, sạt lở bờ sông, phá rừng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, bổ nhiệm cán bộ, những dự án kém hiệu quả, thua lỗ lớn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bạo lực, xâm hại trẻ em, quản lý tài sản công...
Tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội. Năm 2017, Chính phủ đã làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra. Phối hợp xây dựng và ban hành Nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện xã hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ký kết và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2017 - 2022 với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phối hợp tổ chức 850 cuộc giám sát cấp tỉnh; 4.469 cuộc giám sát cấp huyện và 45.584 cuộc giám sát cấp xã; tổ chức 15.745 cuộc phản biện xã hội.
- Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng dư luận.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của Ban Dân vận Trung ương cùng sự phối hợp triển khai tích cực của hệ thống dân vận với hệ thống chính quyền các cấp đã mang đến những kết quả rất đáng trân trọng trong công tác dân vận thời gian qua. Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và đội ngũ cán bộ dân vận các cấp đã nỗ lực, không quản khó khăn, sâu sát cơ sở, vận động Nhân dân, góp phần thúc đẩy sự gắn bó keo sơn giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, so với mong muốn, công tác dân vận nói chung và dân vận của hệ thống chính quyền nói riêng cũng còn những hạn chế, như: Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời; chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận; chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng trong Nhân dân; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới. Một số cấp uỷ, chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác dân vận, thực hiện dân chủ cơ sở, tiếp công dân và đối thoại với dân; tính công khai, minh bạch, công tác phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức xa dân, nhũng nhiễu, tiêu cực; chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, phản bác những thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội.
Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 242 nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương; chú trọng công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này, góp phần thu hẹp khoảng cách “từ lời nói đến hành động” trong tất cả các cơ quan của hệ thống hành chính nhà nước và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2018 là rất nặng nề. Cùng với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, công tác dân vận có vai trò rất quan trọng trong việc tạo đồng thuận, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Được xác định là “Năm dân vận chính quyền”, chúng ta cần phối hợp và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với 9 nội dung trọng tâm:
Một là, các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, thông báo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận. Cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác dân vận; quan tâm thực hiện tiếp công dân chu đáo, giải quyết các kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, với phương châm lo từ sớm, từ xa, không để trở thành điểm nóng mới xử lý; đem lại niềm tin cho Nhân dân.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm khả thi, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Nghiên cứu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở sơ kết, tổng kết các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Ban Dân vận Trung ương giai đoạn 2016-2021; phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp tiến hành ký kết và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung phối hợp năm 2018 và có kế hoạch phối hợp dài hạn hơn, tạo chuyển biến thực sự trong xây dựng bộ máy hành chính liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Bốn là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Chính phủ sẽ nỗ lực chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, từ đó tạo điều kiện để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch chăm lo cho đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khoẻ, học hành, khám chữa bệnh... của Nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, lối sống văn hoá, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chăm lo cho các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thì dù có nói bao nhiêu về công tác dân vận, công tác quần chúng và quyền làm chủ của Nhân dân cũng không có sức thuyết phục.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội; giải quyết tốt các mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mọi thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch... liên quan đến người dân. Thực hiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; làm tốt cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức. Thực hiện tốt chế độ công khai trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, những bức xúc của Nhân dân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, phân biệt đối xử, không bảo đảm quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại...
Bảy là, đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương. Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với ba trụ cột là hành chính điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, lấy kết quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho Nhân dân và doanh nghiệp.
Tám là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Chủ động, kịp thời thông tin đến các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành thông qua nhiều hình thức như họp báo thường kỳ, công bố thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và hệ thống báo chí. Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường tiếp xúc, đối thoại, thực hiện Quy chế phát ngôn, họp báo định kỳ, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, thông tin phản hồi về cơ chế, chính sách. Phải đề cao phương thức vận động, thuyết phục, nêu gương đối với mọi cán bộ, đảng viên.
Chín là, chuẩn bị đón Tết nguyên đán, đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo cho Nhân dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, để ai ai cũng có Tết, nhà nhà đều có Tết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, thực hiện tốt các trọng tâm trên, tin tưởng rằng công tác dân vận chính quyền, dân vận của các cơ quan nhà nước nói riêng và công tác dân vận của cả hệ thống chính trị nói chung trong thời gian tới sẽ có những bước tiến mới, góp phần to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ