Thứ Sáu, 10/1/2025
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH cho ý kiến chung quanh một số vấn đề lớn của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Qua thảo luận và kết quả lấy phiếu xin ý kiến tại kỳ họp thứ tư, nhiều đại biểu QH đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác như tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại.

Về nội dung mở rộng hình thức tố cáo khác, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cân nhắc về hình thức tố cáo qua điện thoại. Cần có một bộ phận của cơ quan, đơn vị tiếp nhận điện thoại suốt 24 giờ, ghi nhận đầy đủ thông tin để sau đó thẩm tra, xác minh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định hình thức tố cáo qua điện thoại không phải là mới mà đã có trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Điểm mới trong dự thảo luật lần này là dù tố cáo qua điện thoại vẫn phải tiến hành các thủ tục như tố cáo trực tiếp, sau đó tiến hành xác minh rõ nhân thân, rõ vấn đề, rõ vi phạm thì mới quyết định thụ lý và khi đó mới phát sinh nghĩa vụ các bên. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước, do đó không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn là chỉ có văn bản giấy...

Từ quan điểm trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH và cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý quy định trong dự thảo luật về hình thức tố cáo gồm: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói; Văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử; Tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh nhất trí bổ sung hình thức này để tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền tố cáo.

Tiếp đó, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH, qua xem xét, thảo luận, các thành viên Ủy ban TVQH nhất trí việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, với 100% các ý kiến biểu quyết tán thành.

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng; và tiến hành họp kín về một nội dung quan trọng trước khi bế mạc.

Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp thứ 21, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban TVQH, hoàn chỉnh các dự án luật gửi xin ý kiến đại biểu QH theo đúng thời hạn quy định, trình hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách sau dịp Tết; thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trước khi trình ký. Sau phiên họp này, đề nghị Tổng Thư ký QH sớm gửi thông báo kết luận phiên họp để các cơ quan và các tổ chức, cá nhân hữu quan nghiên cứu tiếp thu triển khai thực hiện.

Chủ tịch QH nhấn mạnh, chỉ còn một tuần nữa là nghỉ Tết Nguyên đán, sau kỳ nghỉ Tết không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho nội dung phiên họp thứ 22, dự kiến tổ chức từ ngày 12 đến 16/3. Đây là phiên họp có nhiều nội dung quan trọng, sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Đề nghị các cơ quan của QH tích cực chỉ đạo và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm, bảo đảm đủ điều kiện, chất lượng, tiến độ các nội dung theo chương trình.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 08/2/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất