Thứ Năm, 9/1/2025
Xây dựng “Chính quyền điện tử” phục vụ người dân: Còn nhiều việc phải làm

 Ứng dụng CNTT tại bộ phận “một cửa” điện tử hiện đại được Sở TN-MT đưa vào hoạt động cuối năm 2017

Những thành công lẫn thách thức đó được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)  trong các cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh năm 2017 vừa được UBND tỉnh công bố. Việc đánh giá, xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT trong các CQNN năm 2017 được thực hiện với 31/32 đơn vị, địa phương, bao gồm: 20/21 sở, ban, ngành và 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố.

Gần hơn với người dân

Kết quả tổng thể có 11/20 đơn vị được xếp hạng ở mức tốt, chiếm 55%; tăng đáng kể so với xếp hạng của năm liền kề trước đó (6 đơn vị, chiếm 35%). Bên cạnh những đơn vị đã thể hiện thế mạnh dẫn đầu như Sở Tài chính, Sở TT&TT, những đơn vị “bứt tốp”, cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư, ứng dụng công nghệ số có thể kể đến Sở TN-MT (vị thứ 6, so với 11 của xếp hạng năm trước), Sở GT-VT (vị thứ 7, so với vị thứ 10 trước đó). Riêng với khối huyện, UBND TP Quy Nhơn giữ vị trí đầu tiên, là đơn vị duy nhất đạt các tiêu chí đánh giá ở mức tốt.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT), kết quả xếp hạng trên phần nào cho thấy, công tác triển khai và ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư nâng cấp; hệ thống văn phòng điện tử lưu thông được nối dài, hình thành trục liên thông văn bản 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động nội bộ ngày càng hiệu quả. Nhiều cơ quan thường xuyên ứng dụng chữ ký số, thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử qua hệ thống văn phòng điện tử liên thông; xây dựng, triển khai các ứng dụng chuyên ngành như các Sở: GT-VT, VH&TT, TM-MT.

Đặc biệt, nhóm các dịch vụ công trực tuyến phục vụ mức độ 3 và mức độ 4 từng bước tăng về “lượng” và “chất” ở các đơn vị cấp tỉnh, như các sở: Tài chính, TT&TT, Xây dựng, GT-VT, NN&PTNT, Công Thương. Khác với mọi năm, không chỉ tính điểm theo số dịch vụ được cung cấp mà đặt trọng tâm tỉ lệ hồ sơ được giải quyết. “Việc đánh giá hoạt động và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất hơn. Các mô hình ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính giúp tăng quyền giám sát của người dân, công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính” - ông Bình cho hay.

Một điểm đáng ghi nhận khác là công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng được chú trọng. Các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thúc đẩy công tác triển khai và ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ.

Khắc phục những “điểm lõm”

Xếp hạng này được ví như sự “đo lường” hiệu quả hoạt động điều hành, quản lý và phục vụ người dân. Từ đó, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và DN. Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa, đến nay, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên địa bàn tỉnh đã từng bước được xây dựng và kiện toàn. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong CQNN và xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít “điểm lõm” ứng dụng CNTT. Trong tiêu chí thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 xếp hạng cho các đơn vị cấp huyện, duy nhất UBND TP Quy Nhơn đạt mức khá (100/160 điểm, 62,5%); các địa phương còn lại có số điểm rất thấp, từ 20-40 điểm. Nhiều địa phương gần như “trắng” dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên. Chưa kể, một vấn đề rất lớn hiện nay là số lượng người dân và DN sử dụng dịch vụ còn rất thấp.

Xác định CNTT là trọng tâm để cải cách hành chính, tỉnh ta đang đẩy mạnh triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN, phát triển chính quyền điện tử mà cốt lõi là dịch vụ công trực tuyến. “Kế hoạch ứng dụng CNTT tại các CQNN của tỉnh từ năm 2018 trở đi đánh mạnh vào các ứng dụng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên. Sở TT&TT đang xây dựng 250 dịch vụ công trực tuyến và hoàn chỉnh “một cửa điện tử” ở tất cả sở, ngành. Trong khi đó, tuyến huyện còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt hơn của cả hệ thống, nhất là vai trò người đứng đầu” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nguồn: baobinhdinh.vn, 4/4/2018

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất