Thứ Sáu, 10/1/2025
Công tác dân vận chính quyền ở An Giang đang dần đi vào cuộc sống

Thời gian qua, công tác dân vận chính quyền ở An Giang dần đi vào cuộc sống; công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng đi vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bám sát địa bàn, tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với dân, với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trong thi hành công vụ phải sâu sát cơ sở, tôn trọng và có trách nhiệm với dân.

Các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước chủ động xây dựng quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng như đẩy mạnh các hoạt động của ban thanh tra nhân dân, các tổ hòa giải ở cơ sở; lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị để phát động thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các hội nghị của cơ quan, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo và công khai kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động tiếp công dân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu gắn với việc xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan đơn vị; để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự là một cán bộ dân vận, qua đó góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.883 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” trên 4 lĩnh vực với 652 mô hình phát triển kinh tế, 1.545 mô hình văn hóa - xã hội. 383 mô hình đảm bảo an ninh - quốc phòng và 303 mô hình xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thu hút đông đảo cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đóng góp hơn 1.870 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cầu đường, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, khuyến học, khuyến tài và mua xe chuyển viện miễn phí.../.

Công Mạo/TTXVN

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất