Thứ Tư, 25/12/2024
Quản lý an toàn thực phẩm ở Hà Nội: Cần phân cấp triệt để hơn
Một hàng ăn vỉa hè của Hà Nội

Bên cạnh những mặt tích cực, việc quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn. Hiện số lượng cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố lớn, luôn di biến động, đặc biệt khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ và có nhiều công trình xây dựng dở dang… là những nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên thì chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm thường xuyên, nể nang trong quản lý. Việc xử phạt vi phạm chưa nghiêm; ý thức thực hành của người chế biến còn hạn chế, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, 8 tháng năm 2017, các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 1,9 tỷ đồng. Việc xử phạt các đơn vị vi phạm bước đầu đã thực hiện ở các xã, phường nhưng quá trình thanh tra, xử lý gặp khó khăn do nhiều viên chức xã, phường chưa có kiến thức, kinh nghiệm thanh tra... Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo từ các tỉnh về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn...

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố từ năm 1998 tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) và tuyến phố Núi Trúc (Ba Đình). Đến nay, thành phố đã nhân rộng mô hình này ra 30 tuyến phố văn minh và mô hình cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn. Qua đánh giá cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống đã có nhiều chuyển biến tích cực: 99% cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% cơ sở đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức vai trò quản lý, kiểm soát của chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống còn một số tồn tại. Thành phố vẫn còn khoảng 16,5% cơ sở chưa đạt các điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở chật hẹp, chưa kịp thời thu dọn giấy, thức ăn thừa trên bàn và nền nhà; chậm thay thế trang thiết bị dụng cụ cũ, hỏng; nhiều cơ sở chưa quan tâm tới đảm bảo nguồn gốc thực phẩm... Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng; không đảm bảo về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường; hoạt động thức ăn đường phố thường biến động, sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc; một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm thức ăn đường phố; chính quyền cơ sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm...

Để tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tuyến phố văn minh, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở thức ăn đường phố bày bán không đúng địa điểm được phép bán hàng, thức ăn đường phố tại chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, mô hình điểm đối với dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố...

Tại quận Cầu Giấy, cùng với sự đa dạng các mặt hàng thực phẩm, số lượng các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng ngày càng nhiều, đặc biệt là siêu thị vừa và nhỏ, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Đến tháng 6/2017, toàn quận có 3.430 cơ sở thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý 1.640 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 1.206 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 584 cơ sở. Dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có khoảng 1.264 cơ sở.

Theo ông Nguyễn Đức Viên - Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, qua thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phần lớn các phường giao nhiệm vụ công tác an toàn thực phẩm cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, do Cầu Giấy là quận đông dân, có mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh song trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm chưa cao, do đó công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn còn gặp nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Đức Viên đề xuất, thành phố cần hướng dẫn phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm triệt để hơn nữa. Vì trên thực tế một số cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ như trà sữa, cháo dinh dưỡng (đứng tên công ty) cũng do thành phố cấp giấy chứng nhận hay một số hệ thống nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn nhanh có nhiều biến động về nhân viên làm bán thời gian... gây ra tình trạng không kịp thời được kiểm tra, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Tuyết Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi