Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang triển khai thực hiện.
Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia cơ quan quyền lực các cấp.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới được thực hiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân; trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, hiệp thương giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử.
Đây là điều quan trọng trong quá trình lập danh sách những người ứng cử, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu, thành phần, đặc biệt là tiêu biểu về ý chí, trí tuệ, phẩm chất đại diện cho nhân dân, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim nêu rõ hội nghị tập huấn này nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 51 - CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Công tác tập huấn tốt và nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ trong hệ thống Mặt trận các cấp.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Thông tri về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp nắm vững Chỉ thị số 51 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn về quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản có liên quan.
Công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu...
Nội dung công tác Mặt trận trong bầu cử gồm có tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; tuyên truyền và tổ chức các hoạt động giám sát.
Căn cứ vào nội dung công tác Mặt trận trong bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ về tiến độ thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên hoàn thành tốt công tác Mặt trận tham gia bầu cử.
Các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia công tác bầu cử, đồng thời giám sát việc bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng luật; phản ánh ý kiến, kiến nghị của các đoàn viên, hội viên, dư luận xã hội về bầu cử với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được tổ chức chung một thời điểm (Chủ nhật ngày 22/5/2016), do đó nhiều công việc phải tiến hành đồng thời, công việc phải khẩn trương.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp cần bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử địa phương để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương vào ngày 16/2/2016.
Nguồn: TTXVN, Phúc Hằng, 3/2/2016