Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 06/2016/TT-BTC
hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu
cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo Thông tư, kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử sẽ do ngân sách
Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu
công việc và khả năng ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân
cùng cấp xem xét, quyết định bổ sung kinh phí từ ngân sách địa phương để
phục vụ cho công tác bầu cử tại địa phương.
Kinh phí phục vụ cho bầu cử gồm: Chi xây
dựng các văn bản hướng dẫn phục vụ công tác bầu cử; các báo cáo, văn
bản liên quan đến công tác bầu cử; Chi in ấn tài liệu, ấn phẩm phục vụ
bầu cử; Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử về công
tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia; Chi cho công tác bảo đảm an
ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu cử;
Chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu
cử...
Các khoản này phải được các cơ quan, đơn
vị quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu
quả; sử dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây hiện còn
sử dụng được, huy động các phương tiện đang được trang bị ở các cơ quan,
đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử đảm bảo tiết kiệm chi cho ngân
sách.
Thông tư cũng đưa ra mức chi cụ thể đối
với các khoản cụ thể. Mức chi tại Trung ương, đối với công tác chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát bầu cử, ngoài chế độ thanh toán công tác phí, Trưởng
đoàn giám sát được chi 200.000 đồng/người/buổi; thành viên chính thức
của đoàn giám sát được 100.000 đồng/người/buổi; các cán bộ, công chức,
viên chức phục vụ đoàn giám sát được chi từ 50.000 - 80.000 đồng/người
/buổi.
Mức chi cho báo cáo tổng hợp kết quả là
2.500.000 đồng/báo cáo; chi tham gia ý kiến bằng văn bản từ 100.000 đồng
- 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến tối đa là 1 triệu
đồng/người/văn bản. Mức chi cho chỉnh lý, hoàn chỉnh báo cáo là 600.000
đồng/báo cáo.
Đối với chi bồi dưỡng cho những người
trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử, Thông tư quy định mức khoán theo
tháng. Cụ thể là: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Tiểu ban Hội
đồng bầu cử quốc gia mức 2 triệu đồng/người/tháng. Thành viên; Phó
Trưởng các Tiểu ban, thành viên các Tiểu ban; Chánh Văn phòng, Phó Chánh
Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thành
viên Văn phòng Hội đồng là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian hưởng chế độ bồi dưỡng phục vụ
công tác bầu cử thực hiện theo thực tế tối đa không quá 5 tháng. Nếu
một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau chỉ được hưởng mức bồi dưỡng cao
nhất.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 29/2/2016.
Nguồn: baochinhphu.vn, ngày 26/1/2016