Thứ Ba, 19/11/2024
Đồng hành tích cực, nghĩa tình với ngư dân
 
Trao tặng cờ Tổ quốc khổ lớn cho tuổi trẻ huyện đảo Phú Quý


CSB là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, tô thắm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ CSB”. Ở các xã đảo, huyện đảo thực hiện mô hình, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đã trở thành người thân với bà con ngư dân.

Điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển

BTL Vùng CSB 3 được giao quản lý vùng biển rộng lớn, trải dài trên 9 tỉnh, thành ven biển từ vùng biển Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh bao gồm cả vùng biển huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là vùng biển phức tạp với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, khai thác, thăm dò, đánh bắt trái phép… Cùng với đó, thời tiết, khí hậu trong khu vực luôn khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3.

Thời gian qua, thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”, Đảng ủy, BTL Vùng CSB 3 và cấp ủy, chính quyền địa cùng phối hợp thực hiện nhiều nội dung thiết thực trong công tác tuyên truyền, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ ngư dân phát triển bền vững kinh tế biển…

 Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp cùng con tàu CSB 8001, BTL Vùng CSB 3 vượt hơn 110 hải lý, mang sức trẻ, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng các cơ quan địa phương, doanh nghiệp đến với huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận để thực hiện các hoạt động trong mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”.

Được tham gia cùng với các hoạt động của đơn vị tại huyện đảo Phú Quý mới thấy hết được sự gắn bó của đơn vị với địa phương Đồng chí Ngô Tấn Lực, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý chia sẻ: “Mỗi khi đoàn công tác BTL Vùng CSB 3 ra đảo, đối với cán bộ và nhân dân nơi đây, đó là những ngày hội. Thời gian qua, lực lượng CSB cùng với các lực lượng khác đã tích cực đồng hành với ngư dân, nhất là những lúc bà con gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển. Chúng tôi tin tưởng, yêu quý các anh như những người thân trong gia đình. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên huyện đảo đã chủ động cung cấp rau xanh cho các tàu CSB làm nhiệm vụ trực tại khu vực đảo”.

Đón nhận lá cờ Tổ quốc, áo phao từ tay cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3 trao tặng, ông Nguyễn Văn Bé, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý xúc động cho biết: “Chúng tôi rất cảm động với tình cảm của của các anh CSB. Gia đình tôi làm nghề đánh cá gần 30 năm qua. Giữa trùng khơi bao la, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên những tàu CSB, chúng tôi hiểu rằng đang được các anh bảo vệ, giúp đỡ về cả tinh thần và vật chất, được bình yên đánh bắt trên ngư trường của Tổ quốc”.

BTL Vùng CSB 3 thường xuyên duy trì từ các tàu trực tại các đảo xa bờ, để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Qua đó, kịp thời xử lý tốt các tình huống xảy ra, tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản. Sự có mặt của lực lượng CSB trên vùng biển đơn vị quản lý chính là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Ngoài ra, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho ngư dân được cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3 xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Bất kể điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão hoặc ở vùng biển xa, các lực lượng và phương tiện của đơn vị luôn có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân. Trong hai năm gần đây, BTL Vùng CSB 3 đã tiếp nhận xử lý 270 thông tin liên quan đến tìm kiếm cứu nạn và an ninh hàng hải, sử dụng 12 lượt tàu, xuồng  thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu được 142 ngư dân, thuyền viên.

Trao đổi về thực hiện mô hình, Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy BTL Vùng CSB 3 cho biết: Thực hiện phương châm bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 3 phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng cho xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Theo đó, lực lượng CSB đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường biển; triển khai các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, thăm hỏi, động viên, tặng quà gia đình các ngư dân thuộc diện chính sách, hộ nghèo, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm, tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho các tàu cá; tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân…

Được biết, hai năm gần đây, BTL Vùng CSB 3 đã huy động hơn 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ sử dụng hàng ngàn ngày công lao động giúp dân làm mới, tu sửa đường giao thông, kênh, mương thuỷ lợi, thu gom được hơn 20 tấn rác thải, trồng 1.000 cây xanh, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1.250 người dân… với kinh phí thực hiện hơn 3,1 tỷ đồng.  Đơn vị còn nhận phụng dưỡng 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu 7  học sinh nghèo vượt khó. Các hoạt động được địa phương, nhân dân các tỉnh ven biển và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Nâng cao nhận thức pháp luật, huy động nguồn lực

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Thu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 trăn trở rằng, địa bàn triển khai thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân tại các xã, huyện đảo xa đất liền. Các địa phương ven biển có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tàu thuyền và ngư dân hoạt động phân tán, nguồn lực, cơ sở vật chất và các nội dung đảm bảo cho thực hiện mô hình của đơn vị và địa phương còn hạn chế… Tuy vậy, đơn vị đã vận dụng vào điều kiện cụ thể triển khai thực hiện mô hình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là địa phương làm thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó tiếp tục phối hợp triển khai tại xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Đại tá Lê Văn Thu, triển khai mô hình tại những địa bàn, đơn vị mong rằng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân khai thác thủy hải sản an toàn, làm giàu từ biển, xây dựng xã đảo, huyện đảo ngày càng phát triển vững mạnh. Đơn vị xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và nhân dân là nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai thực hiện mô hình. Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, lấy tư vấn làm trọng tâm, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân làm mục đích, lực lượng CSB đã tích cực đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục”. Nội dung được tập trung tuyên truyền gồm: Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thủy sản, Luật phòng chống tội phạm ma túy, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, về chức năng, nhiệm vụ, truyền thống của CSB Việt Nam, tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm vùng biển của nước ngoài.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 vận dụng linh hoạt, đa dạng, sinh động, sát thực, hiệu quả từ tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, phát tờ rơi đến các tổ công tác trực tiếp xuống các tàu, nhóm tàu để tuyên truyền, phát hàng trăm cuốn sổ tay tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Đơn vị cũng phối hợp địa phương tổ chức thành công các cuộc thi vẽ tranh và thi tìm hiểu với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương” cho học sinh, để lại dấu ấn tốt đẹp trong chuỗi hoạt động mô hình, có tác dụng giáo dục sâu sắc thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng chí Nguyễn Minh Tân, Phó trưởng ban Dân vận, Tỉnh ủy Bình Thuận  nhìn nhận, thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho nhân dân và ngư dân. Cùng với đó, xây dựng ý thức trách nhiệm cho ngư dân đấu tranh với các hiện tượng sai trái, tiêu cực trên biển, đảo, tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển.

Để hiệu quả các hoạt động có thể lan tỏa, BTL Vùng CSB 3 đã chủ động phối hợp, liên hệ, vận động được các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp tham gia tài trợ, ủng hộ, đồng hành cùng chương trình. Đồng hành với cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong chuyến đi đến đảo, các nhà đồng hành đều có những phần quà, cách ủng hộ của riêng của mình nhưng đều chung một tấm lòng, muốn được chia sẻ, giúp đỡ chính quyền và những người dân còn nhiều khó khăn, vất vả trên xã đảo, huyện đảo.

Ông Hồ Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ cơ quan nước ngoài chia sẻ: “Có đi, có đến mới thấu hiểu hết ý chí, niềm tin cùng những khó khăn, vất vả của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân trên đảo. Chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn với những con người bản lĩnh xây dựng và phát triển phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữ bốn bề mênh mông biển rộng. Chúng tôi sẽ làm và huy động thêm nhiều nguồn lực để cùng lực lượng CSB chung tay kết nối đất liền với biển đảo, hỗ trợ tốt nhất cho ngư dân”.

Thiết thực, vững chắc thế trận lòng dân trên biển

Mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” của Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 thực hiện, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của quân đội trong tình hình mới”. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả, trách nhiệm với nhân dân của BTL Vùng CSB 3 không chỉ là chỗ dựa tin cậy để ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, giữ gìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mà còn phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và cả hệ thống chính trị các địa phương cùng với lực lượng CSB xây dựng xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn biển đảo của Tổ quốc.

Đồng chí Trà Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chia sẻ: “Ngư dân cần điểm tựa vững chắc trên biển, khi được tuyên truyền, dẫn dắt tốt, ngư dân cũng là chiến sĩ, những “cột mốc sống” trên vùng biển, đảo. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, mô hình này tiếp tục được duy trì với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả hơn nữa để xây dựng cho ngư dân động cơ, trách nhiệm đúng đắn, vừa bám biển phát triển kinh tế, vừa tham gia có trách nhiệm vào bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân” giai đoạn 2017- 2020 và những năm tiếp theo; trong đó hướng mạnh vào đối tượng nhân dân và ngư dân trên các vùng biển, đảo, vùng địa bàn xã, huyện đảo kinh tế, xã hội khó khăn, gắn với phong trào “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mô hình “CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo”... Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó nhấn mạnh, đơn vị luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, vận động, tranh thủ sự đồng hành có tính chất lâu dài, mối quan hệ bền chặt của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nhà đồng hành để làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình, để lực lượng CSB Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

(congly.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi