Tai nạn tàu cá, tai nạn lao động trên biển đối với đội tàu đánh bắt xa bờ tỉnh Nghệ An đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho ngư dân, chủ tàu và các doanh nghiệp liên quan. Từ đó đặt ra vấn đề cần có giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho họ khi ra khơi bám biển.
|
Cứu hộ tàu cá mắc cạn ở Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)
|
Tai nạn gia tăng
Trong các chuyến công tác về các làng biển ở Nghệ An, chúng tôi nhận thấy nguy cơ các vụ tai nạn trên biển đang gia tăng đến mức đáng báo động. Thí dụ, năm 2019, ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, có năm vụ tai nạn, trong đó, ba vụ chìm tàu trên biển, một vụ tàu cháy và một tàu bị mất tích. Xã Quỳnh Lập có bốn vụ chìm và cháy tàu. Tại huyện Quỳnh Lưu có sáu tàu gặp sự cố trên biển phải cứu hộ và bảy lao động bị mất tích khi đánh bắt trên biển, trong đó, xã Sơn Hải có ba người, xã Quỳnh Long có hai người; các xã Quỳnh Ngọc và An Hòa mỗi xã có một người. Tai nạn đau lòng nhất trong năm 2019 là vụ chìm tàu cá NA 95899 TS do bị tàu vận tải đâm tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, khiến 10 ngư dân xã Quỳnh Tiến (Quỳnh Lưu) chết và mất tích.
Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận: Chỉ tính riêng năm 2019, có 19 trường hợp báo cáo về tai nạn tàu cá, khiến 19 ngư dân chết và mất tích, 10 người khác bị thương. Tai nạn cũng làm tám tàu cá bị chìm và bảy tàu khác bị cháy, thiệt hại ước hơn 43 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra năm vụ tai nạn trên biển, trong đó có hai vụ chết người ở Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), ba vụ tai nạn chìm tàu và gãy trục chân vịt được cứu hộ và lai dắt vào bờ kịp thời.
Với đặc thù lao động trên biển khá nặng nhọc: phụ thuộc thời tiết; lịch sinh hoạt thay đổi, ban ngày thì nghỉ và phải thức xuyên đêm để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân, trong điều kiện sóng gió, cho nên ngoài yếu tố sức khỏe, biết bơi, thì người lao động phải được trang bị và đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đi biển, an toàn trên biển và kỹ năng đánh bắt. Nhưng qua tìm hiểu thực tế cho thấy, không ít trong số lao động này được học kỹ năng theo kiểu người đi trước bày cho người đi sau. Do lao động xuất thân từ làng biển ngày càng hiếm nên các chủ tàu phải chấp nhận sử dụng lao động ở các địa phương miền núi phía tây của tỉnh, thậm chí có tàu còn sử dụng lao động dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi… Ðây được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động trên biển. Một lãnh đạo xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Lao động trên biển mà nhiều người không xuất thân từ làng biển; phần lớn còn quá trẻ cho nên nhận thức hạn chế. Ðành rằng có những vụ tai nạn trên biển khi chìm hay cháy tàu là khó tránh khỏi nhưng có những vụ nguyên nhân do làm việc trên biển chưa quen, rơi xuống biển mất tích một cách lãng xẹt… Ðiển hình là vụ một lao động là người ở huyện miền núi Quỳ Hợp mất tích trên biển khi đánh cá trên tàu của ngư dân xã Sơn Hải cuối năm 2019, và vụ mất tích của một ngư dân khác đầu năm 2020, khi lao động này đang đi vệ sinh thì bị rơi xuống biển mất tích mà bạn thuyền không biết. Ðó là chưa kể những vụ bị thương trên tàu do bị máy tời quấn, bị thiết bị rơi, va vào người…
Liên quan đến phương tiện đánh bắt, không ít ngư dân Nghệ An mua lại tàu đánh bắt đã thải ra, về cải tạo lại để đánh bắt xa bờ. Mặc dù các tàu này khi về đều được sửa chữa và kiểm định, đăng ký đầy đủ nhưng do vỏ và máy móc đã cũ cho nên tình trạng hỏng hóc, chết máy thường xuyên xảy ra. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu Bùi Xuân Trúc cho biết: Năm 2019, hàng chục lượt tàu của ngư dân Quỳnh Lưu bị chết máy hoặc gãy trục chân vịt, có nguy cơ bị sóng đánh chìm, trong số này có không ít là tàu mua lại. Nếu không được tàu Bộ đội Biên phòng và ngư dân cứu hộ kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ðáng chú ý, gần đây, nhiều chủ tàu "độ" thêm bóng đèn dàn sáng là một trong những nguyên nhân chính gây cháy nổ trên tàu. Bình thường mỗi tàu đánh vây chỉ cần khoảng 100 bóng, công suất khoảng 1.000 W/bóng đã đủ độ sáng để dụ cá đến vây bắt. Nhưng nay, nhiều tàu lắp thêm máy phát điện; đồng thời, kích và "độ" thêm bóng siêu sáng, dàn sáng tăng gấp đôi độ sáng để sáng xa và sâu hơn mong đánh bắt được nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này dẫn đến nguy cơ chập, cháy điện rất cao. Ông Lê Bá Kỷ ở Hội Nghề cá Quỳnh Lập lo lắng: Mặc dù khi thiết kế, lắp đặt đường dây điện, các chủ tàu đã đề phòng nguy cơ chập, cháy nhưng do công suất tiêu thụ điện quá lớn, dây tải sau thời gian hoạt động trên biển thoái hóa nhanh; đường điện trên tàu rất dễ bị chuột cắn và dàn bóng "độ", kích công suất sẽ thường nóng hơn bình thường, khiến thiết bị điện bị quá tải, nguy cơ chập, cháy rất cao. Thực tế đã có tàu bị cháy vì chập điện, nếu không có tàu cứu hộ đến kịp thì khó tránh khỏi thiệt hại nặng về tài sản cũng như về người.
Ðể nghề cá phát triển bền vững
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An Trần Như Long cho biết: Thời gian gần đây, số vụ tai nạn trên biển gia tăng là điều đáng suy ngẫm. Không phải ngẫu nhiên mà Luật Thủy sản năm 2017 và nghị định hướng dẫn đều quy định lao động dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi không được tham gia đánh bắt. Tuy nhiên, hiện nay do các làng biển thiếu lao động cho nên không ít chủ tàu đã bất chấp quy định. Vì vậy, để giảm tai nạn trên biển và hướng nghề cá phát triển bền vững, các địa phương phải kiên trì tuyên truyền để chủ tàu và ngư dân chấp hành nghiêm quy định trên. Cùng với đó, các lao động trước khi xuống tàu đi biển cần được đào tạo bài bản kỹ năng đi biển, đánh bắt và an toàn lao động trên biển cùng quyền lợi về bảo hiểm thuyền viên theo quy định.
Bên cạnh đó, bắt buộc các chủ tàu phải thường xuyên kiểm tra tình trạng trang thiết bị điện trên tàu bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy nổ. Không lạm dụng việc "độ" bóng điện siêu sáng để đánh bắt được nhiều hải sản, vì lợi trước mắt mà bỏ qua các nguyên tắc an toàn cháy nổ. Cần có sự kết hợp kiểm tra giữa Chi cục Thủy sản và cơ quan bảo hiểm trong quá trình kiểm định cũng như đánh giá tình trạng phương tiện khi mua bảo hiểm tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ; các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề an toàn cháy nổ trên tàu, xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm tham gia tìm kiếm và cứu hộ của chủ tàu và các thành viên trong tổ hợp tác, hội nghề cá để hỗ trợ hay phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm tàu, người bị nạn hiệu quả nhất. Ngoài quy định chung, các làng biển hay các tổ, hội nghề cá nên phổ biến các quy ước, dấu hiệu trong trường hợp không may bị tai nạn để các thành viên khác và tàu lân cận có cách tìm kiếm hiệu quả nhất. Chính nhờ cách làm này mà làng cá Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) đã cứu được một số thuyền viên và hạn chế phần nào các vụ tai nạn do chìm thuyền, mất tích trên biển.
Trưởng phòng An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An) Trần Phi Hùng cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, ngành sẽ thống kê hiện trạng lao động và số người bị tai nạn hằng năm, trong đó có lao động dưới 16 tuổi và lao động nghề biển. Từ đó, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền theo chuyên đề và lồng ghép với các nội dung khác nhằm nhắc nhở ngư dân cùng chủ tàu chấp hành nghiêm quy định về an toàn nói chung và an toàn lao động nghề cá nói riêng./.
(nhandan.com.vn)