Thứ Sáu, 24/1/2025
Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 49 tại tỉnh Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên  về vai trò, vị trí công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình như MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng thôn, làng trong quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng. Cùng với đó, các đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt diễn biến tư tưởng đoàn viên, hội viên của từng tổ chức, chú trọng đến đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số; thăm hỏi, tranh thủ các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo.


 Ông Choóng Sau Quay, người có uy tín ở thôn Khe Mươi, xã Đại Thành (Tiên Yên),
trò chuyện với người dân về việc giữ gìn an ninh trật tự ở xã

Các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới để bám sát địa bàn, gần gũi với nhân dân, nắm tình hình, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, phòng - chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng - chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng - chống di cư tự do...

Từ đổi mới công tác dân vận theo tinh thần của Chỉ thị 49, thời gian qua đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những cách làm hay, có nhiều sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó đã góp phần xoá bỏ các hủ tục, tạo thói quen tốt, nếp sống văn minh trong nhân dân, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, động viên cổ vũ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Nổi bật trong đó phải kể đến như mô hình “Vận động thanh niên phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn” của Đoàn Thanh niên xã Hải Lạng (Tiên Yên). Thông qua mô hình đã giúp nhân dân trên địa bàn những kiến thức cụ thể về phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, hỗ trợ con giống, tư vấn kỹ thuật, liên hệ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi trồng. Mô hình “Vận động đoàn viên, thanh niên làm đường nội thôn” của Đoàn Thanh niên xã Nam Sơn (Ba Chẽ) đã vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia đóng góp hàng trăm ngày công lao động, hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường dài 1,25km, rộng 3m; mô hình “Thôn văn hoá, tiếng hát người Dao” của thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm (Ba Chẽ) thu hút hàng chục thành viên là người dân tộc Dao và Sán Chỉ tham gia, đã khơi dậy và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc...

Cùng với các mô hình trên, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai sâu rộng với nhiều mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xác định rõ chủ thể, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong nhân dân; thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó có nhiều mô hình, điển hình có sức lan tỏa mạnh mẽ như: “Khéo trong phong trào vận động nhân dân xây dựng chương trình nông thôn mới” của UBND xã Đồng Tiến, thôn Hải Tiến (Cô Tô) liên quan đến vận động xây dựng nông thôn mới với 100% trục đường liên thôn đã được bê tông hóa, vận động nhân dân đóng góp 7.000 ngày công làm đường xây dựng nông thôn mới với 48 tuyến đường liên thôn được hoàn thành, vận động 100% hộ dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng hiến đất thi công công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô với trên 2.000m2, mô hình “Vận động nhân dân thực hiện xã hội hoá trong việc làm đường thôn xóm trong chương trình xây dựng nông thôn mới” của thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên (Đầm Hà) vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động và tự giác phá dỡ tường rào, công trình trong phạm vi giải toả, hiến đất để bàn giao mặt bằng, cứng hóa 3 tuyến đường thôn với chiều rộng là 1,5m, chiều dài là 1.680m, các tuyến còn lại cũng đã được đổ cấp phối với chiều dài 6.830m. Từ nguồn đóng góp của nhân dân, thôn đã xây dựng được 1 cây cầu bắc qua suối với chiều dài 28m, trong đó nhân dân đóng góp 8 triệu đồng, xã hỗ trợ 4 triệu đồng…

Có thể thấy, với nhiều cách làm hiệu quả, việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 25/7/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi