Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX Nông nghiệp Hợp Giang, xã Lục Bình (Bạch Thông) đã thành công trong việc trồng, sơ chế, chế biến nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ… Các sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; hoàn thiện về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó, riêng sản phẩm Trà linh sâm đã được chế biến sâu, đóng hộp rất tiện ích cho người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi ngày HTX thu khoảng 3 tạ nấm mộc nhĩ, giá mộc nhĩ khô thái nhỏ đạt 150.000 đồng/kg; nấm sò thu trên 50kg/ngày, giá bán trên 45.000 đồng/kg; trà linh sâm sản xuất 1.000 hộp/tháng, bán giá 120.000 đồng/hộp.
|
Sản xuất nấm tại HTX Nông nghiệp Hợp Giang |
Theo chị Lường Thị Giang- Giám đốc HTX, để tạo ra các sản phẩm từ nấm có giá trị cao hơn, HTX chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu xử lý nguyên liệu, cấy giống, chăm sóc nuôi trồng, thu hái đến sơ chế, hoàn thiện tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… Cùng với các sản phẩm nấm ăn, Trà linh sâm đã chứng minh vai trò của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nấm nói riêng, sản phẩm OCOP nói chung. Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa.
Với mong muốn mang đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, HTX Hương Ngàn, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc theo hướng hiện đại để chiết xuất tinh dầu từ các loại cây dược liệu, gia vị, ăn quả… HTX luôn chú trọng quy trình sản xuất an toàn, kết hợp với trang thiết bị và dây chuyền máy móc hiện đại để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Thực tế, việc tuân theo quy trình sản xuất sạch đã giúp HTX sản xuất thành công các loại tinh dầu sả, quýt, bưởi, gừng, nghệ… Sản phẩm không lẫn tạp chất, đảm bảo vệ sinh an toàn, lượng tinh dầu cao hơn so với phương pháp thủ công.
Để tiến tới mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị cho quýt Bắc Kạn, được sự quan tâm của các ngành chức năng, HTX tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thử nghiệm sản phẩm từ nước ép quả, tạo ra sản phẩm trà tan. Thông qua thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh dầu và phát triển sản phẩm trà hòa tan từ quả quýt Bắc Kạn”, quýt Bắc Kạn lần đầu tiên được nghiên cứu chuẩn hóa từ nguyên liệu đến thành phẩm và đa dạng hóa sản phẩm đầu ra gồm tinh dầu quýt và trà hòa tan từ nước ép quýt. Các sản phẩm của HTX được chuẩn hóa dựa trên các thiết bị hiện đại. Tinh dầu quýt và trà hòa tan từ nước ép quýt có bao bì, nhãn mác đầy đủ và đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Tinh dầu quýt của HTX Hương Ngàn đã được đưa ra thị trường ở dạng thành phẩm là các lọ tinh dầu (treo trong xe ô tô, trong nhà...), bán tại nhiều nơi như Lạng Sơn, Hà Giang… Đối tác nhập tinh dầu nguyên liệu của HTX là Công ty CP Sao Thái Dương với nhu cầu ổn định vài tấn/năm. Trong 2 năm qua, HTX sản xuất, kinh doanh trên 1,3 tấn tinh dầu, trong đó 1 tấn tinh dầu cho công nghiệp và 300kg tinh dầu bán lẻ. Bên cạnh đó, sản phẩm trà tan chế biến sẵn từ nước ép quả quýt đang là hướng đi mới. Với sản phẩm chế biến dưới dạng trà tan này, thị trường của quả quýt Bắc Kạn cũng sẽ được mở rộng. Nguồn nguyên liệu dồi dào, sản phẩm được chuẩn hóa thì Bắc Kạn nói chung và HTX Hương Ngàn nói riêng hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn cung cấp tinh dầu quýt cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó miến dong Tài Hoan và Nano curcumin Bắc Hà đang tham gia đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia. Hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.
Tiêu biểu như các đề tài về phục tráng các giống lúa Khẩu Nua Lếch, Bao thai, Japonica (Nhật)…; hỗ trợ thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến độ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến độ KHCN để tư vấn, hỗ trợ phát triển. Đồng thời phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… cho một số sản phẩm góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường.
Ứng dụng KHCN đang là xu thế và giải pháp hữu hiệu giúp nâng tầm giá trị các sản phẩm OCOP của tỉnh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để tiếp tục nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến 2025 toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP, 02 sản phẩm 5 sao, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần chủ động ứng dụng KHCN, tăng cường liên kết, quảng bá, góp phần khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường./.
(baobackan.org.vn)